Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ sáu, 03/06/2022 11:06
TMO - Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Để hạn chế những tác động tiêu cực của hoạt động trên, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần tăng cường siết chặt công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch sử dụng đất do UBND tỉnh vừa ban hành, diện tích đất nông nghiệp năm 2022 của tỉnh tiếp tục giảm hơn 8.446ha, các huyện thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều thu hồi một phần diện tích đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Cụ thể, huyện Đất Đỏ có tổng diện tích đất nông nghiệp là 14.890,03ha. Năm 2022, huyện sẽ thu hồi hơn 313ha đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp là hơn 128ha để thực hiện 18 dự án, công trình như: dự án cải tạo nâng cấp đường ven núi Minh Đạm, đường tránh QL 55, nâng cấp mở rộng tuyến tỉnh lộ 52, xây dựng sân bay chuyên dùng Hồ Tràm… Như vậy, diện tích đất nông nghiệp của huyện Đất Đỏ dự kiến trong năm 2022 sẽ giảm hơn 185ha so với năm 2021.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu siết chặt công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Thành phố Vũng Tàu giảm hơn 1.578ha đất nông nghiệp do thu hồi đất để thực hiện các dự án và chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố.
Huyện Châu Đức là địa phương có diện tích đất nông nghiệp giảm nhiều nhất. Theo kế hoạch, huyện có tổng diện tích 33.302ha đất nông nghiệp được UBND tỉnh phân bổ cho địa phương sử dụng phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp trong năm 2022.
Theo kế hoạch, địa phương này sẽ thu hồi hơn 1.451ha đất nông nghiệp để phục vụ cho kế hoạch sử dụng đất của các công trình, dự án trên địa bàn. Đồng thời, chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hơn 1.725ha.
Theo Sở TN&MT tỉnh những năm qua, việc giảm diện tích đất nông nghiệp do tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhanh, diễn biến này phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ở những khu vực chuyển đổi này, các cụm công nghiệp, trung tâm công nghiệp, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí; hạ tầng giao thông được xây dựng, mang lại những thay đổi to lớn cho các vùng nông thôn Bà Rịa- Vũng Tàu.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hẹp, tạo điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh cũng như hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ thu hẹp đất nông nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông nghiệp”, đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai; tích hợp dữ liệu địa chính đối với đất có nguồn gốc từ các nông nghiệp vào cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm soát, kiểm tra, thanh tra hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông nghiệp. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp, chính sách, phương án xử lý những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất và tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ đất nông nghiệp tại các địa phương.
Để hạn chế tác động xấu của việc thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, các địa phương đang nỗ lực khắc phục tình trạng đất lâm nghiệp giảm như khoanh nuôi phục hồi rừng từ đất chưa sử dụng trong lâm phần; triển khai các biện pháp khôi phục rừng ngập mặn; tổ chức trồng rừng ngập mặn ở các vùng cửa sông, cảng biển.
Ngoài các giải pháp trồng rừng thay thế, trong các dự án mới, tỉnh cũng yêu cầu các chủ dự án đầu tư dành một phần diện tích đất dự án trồng cây xanh. Đối với các dự án du lịch phải dành ra 85% diện tích trồng cây xanh (vì hầu hết các dự án này là du lịch sinh thái), các dự án công nghiệp phải dành ra 20% diện tích cây xanh...
Theo đánh giá từ Sở TN&MT tỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai để tăng giá trị quỹ đất phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội là cần thiết. Với đất nông nghiệp, kế hoạch thu hồi, sử dụng không chỉ phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới, mà còn phải tạo ra nhiều việc làm, bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân sau khi thu hồi đất.
Thời gian qua, bên cạnh việc đẩy mạnh giao đất, cho thuê đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử lý hàng loạt dự án về nhà ở, khu đô thị, cụm công nghiệp chậm triển khai, ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi kinh tế của những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch.
Vũ Quang
Bình luận