Hotline: 0941068156
Thứ hai, 05/05/2025 10:05
Chủ nhật, 04/05/2025 16:05
TMO - Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch trên khu vực có diện tích khoảng 454,15 ha; thuộc địa giới hành chính các phường 1, phường 2, phường 3 và phường An Đôn (thị xã Quảng Trị), xã Hải Phú (huyện Hải Lăng), xã Triệu Trạch và xã Triệu Trung (huyện Triệu Phong), tỉnh Quảng Trị; là không gian bao quanh các khu vực có liên quan đến Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972.
Mục tiêu lập quy hoạch di tích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm năm 1972; tôn vinh tinh thần bất khuất, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta để bảo vệ từng tấc đất quê hương; giáo dục cho thế hệ sau về lòng yêu nước.
Đồng thời cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm: Các di tích, điểm di tích thành phần thuộc Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, tỉnh Quảng Trị; các giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc của các di tích.
Các di sản văn hóa phi vật thể: Các lễ hội truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của người dân địa phương nơi có di tích. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị; các yếu tố về kinh tế - xã hội, môi trường liên quan tới di tích; các thể chế và chính sách, các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan. Vị trí, vai trò, mối liên hệ giữa Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 với các di tích, công trình, địa điểm du lịch khác trong tỉnh Quảng Trị và vùng lân cận để kết nối, phát triển du lịch...
Đài tưởng niệm Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
UBND tỉnh Quảng Trị có trách nhiệm bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch; phân công cơ quan chủ đầu tư; lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật. Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành có trách nhiệm phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị trong quá trình nghiên cứu, tổ chức lập quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định.
Thành cổ Quảng Trị nằm ở trung tâm thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị). Từ năm 1809 đến năm 1945, đây là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự quan trọng của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn bảo vệ kinh đô Phú Xuân từ phía Bắc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chia đất nước thành 2 miền Nam - Bắc tại vĩ tuyến 17 thuộc tỉnh Quảng Trị.
Đầu năm 1972, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Xuân - Hè 1972, thực hiện tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó mặt trận Trị - Thiên (Quảng Trị, Thừa Thiên) là hướng tấn công chủ yếu. Đến tháng 5-1972, quân ta đã chiếm được toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Giữa tháng 6-1972, quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là khu vực Thành cổ.
Trong 81 ngày đêm, từ 28-6 đến 16-9-1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Để hậu thuẫn cho quân đội Việt Nam Cộng hòa, Mỹ đã huy động máy bay B52 ném bom cùng pháo hạm bắn phá thị xã Quảng Trị và Thành cổ. Trong 81 ngày đêm, ngôi thành cổ diện tích chỉ vài ki lô mét vuông phải hứng chịu 328.000 tấn bom và đạn pháo, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II. Tính trung bình mỗi chiến sĩ ta phải hứng chịu 100 quả bom, 200 đạn pháo.
Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Để giữ trận địa, Quân giải phóng đã liên tục bổ sung quân số. Và dòng sông Thạch Hãn cũng trở thành “túi hứng bom đạn”. Thành cổ Quảng Trị là một biểu tượng lịch sử thiêng liêng, không chỉ là Di tích Quốc gia đặc biệt mà còn là “địa chỉ đỏ”, nơi ghi dấu những trang sử bi tráng nhất của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập./.
Đức Trung
Bình luận