Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ bảy, 03/02/2024 11:02
TMO - Hướng tới mục tiêu thu hút ít nhất 17 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều chương trình, sự kiện kích cầu du lịch.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh dự kiến tổ chức 186 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh. Có 26 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch quốc tế, cấp quốc gia và cấp tỉnh; 160 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch cấp địa phương, trong đó có nhiều sự kiện truyền thống, đã trở thành thương hiệu của ngành Du lịch Quảng Ninh.
Dự kiến quý II/2024, sẽ tổ chức “Tuần Du lịch Hè Hạ Long 2024” gồm chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch: Chương trình Carnaval Hạ Long hè 2024; Lễ hội truyền thống Bạch Đằng; Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh năm 2024; Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2024; Gala xiếc ba miền; Hội chợ OCOP hè 2024…Đây là thời điểm có nhiều ngày nghỉ, ngày lễ như: Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5, cũng là thời gian nghỉ hè của học sinh. Vì vậy, thị trường khách nội địa sẽ rất sôi động. Lượng khách du lịch có xu thế tăng mạnh, tập trung vào đầu tháng 5 và tháng 6, chủ yếu ở các địa phương có thế mạnh du lịch biển đảo như: Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.
Năm 2024, Quảng Ninh sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có sức lan tỏa và sức hút du lịch lớn: Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc năm 2024; Giải Golf Quảng Ninh mở rộng; Giải chạy Marathon Hạ Long Heritage,… Đồng thời, tham gia hội chợ, ngày hội du lịch tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; tổ chức liên hoan ẩm thực; tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch Quảng Ninh.
Lễ hội Carnaval Hạ Long 2023 thu hút đông đảo người dân và du khách.
Để thu hút thị trường khách quốc tế, ngành Du lịch cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình quảng bá xúc tiến tại nước ngoài; làm việc, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành uy tín trong và ngoài nước; tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế đến khảo sát, tuyên truyền về du lịch Quảng Ninh; xây dựng các chương trình du lịch, gói sản phẩm phục vụ du khách... Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm du lịch, dịch vụ; tăng mức chi tiêu, doanh thu và hiệu quả kinh tế du lịch; tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết, xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long-Quảng Ninh.
Năm 2023, tỉnh cũng đã đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch 25 sản phẩm du lịch mới. Qua đó, thu hút mạnh mẽ khách du lịch, góp phần vào hoàn thành vượt mức tổng khách du lịch năm 2023 đạt 15,56 triệu lượt, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 2,15 triệu lượt. Tổng thu du lịch đạt 33.610 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Với mục tiêu mang đến cho du khách những trải nghiệm tốt nhất, Quảng Ninh đã và đang thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao, nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đến nay, trong số 38 sản phẩm du lịch mới năm 2023, có 25 sản phẩm du lịch đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch, điển hình như các sản phẩm: Ẩm thực Việt Trung, Nông trại Nhật Vượng, sản phẩm OCOP đặc sản Bình Ngọc của TP Móng Cái; sản phẩm du lịch lặn biển thể thao giải trí và sản phẩm tham quan các đảo gần bờ của huyện Cô Tô; tuyến đường đi bộ tại xã Minh Châu và tuyến đường đi bộ tại xã Quan Lạn của huyện Vân Đồn; sản phẩm du lịch trải nghiệm khám phá tại khu Quảng Ninh Gate; sản phẩm du lịch trải nghiệm vườn cây ăn quả tại xã Việt Dân của TX Đông Triều;...
Cùng với các sản phẩm du lịch đã được Sở Du lịch tổng hợp, vẫn còn nhiều sản phẩm gắn với các tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên, hạ tầng du lịch chưa được khai thác, như sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long (đầu tư khai thác trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn; tổ chức đám cưới trên du thuyền thăm Vịnh Hạ Long, các chương trình nghe nhạc trên du thuyền, thăm nơi sản xuất ngọc trai và trải nghiệm ẩm thực từ con trai...). Ngoài ra, các địa phương có nhiều tài nguyên du lịch chưa được khai thác và đầu tư, như: Khai thác suối khoáng, du thuyền trên Vịnh Bái Tử Long ở Cẩm Phả; xây dựng làng văn hóa các dân tộc Quảng Ninh ở Bình Liêu...
Địa phương này đồng thời triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế.
Để từng bước thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch năm 2024 và các năm tiếp theo đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch và gia tăng sức cạnh tranh của ngành Du lịch Quảng Ninh, Sở đề xuất UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển sản phẩm du lịch trên Vịnh Bái Tử Long. Đây là sản phẩm du lịch mới, đã được UBND tỉnh định hướng trong Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô, đồng thời phù hợp với định hướng, chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách.
Việc đưa loại hình dịch vụ này sẽ góp phần mở rộng không gian du lịch Vịnh Hạ Long, tăng trải nghiệm cho du khách, giảm áp lực cho vùng lõi của Di sản, đồng thời đa dạng hoá các loại hình, sản phẩm du lịch tại khu vực Vịnh Bái Tử Long. Sở cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp và địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai các sản phẩm du lịch mới.
Để đạt được mục tiêu du lịch trong năm 2024, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ, ưu tiên đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia như: Khu du lịch Hạ Long, Khu du lịch Vân Đồn, Khu du lịch Trà Cổ; thu hút đầu tư các khu Resort ở Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô; phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo sinh thái chất lượng cao tại Đầm Hà, Tiên Yên; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các dự án dịch vụ, du lịch đang triển khai; sớm triển khai Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Khu kinh tế Vân Đồn, đưa Khu du lịch sinh thái Vân Hải (Quan Lạn, Vân Đồn) vào hoạt động; phát triển các sân golf theo quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào khai thác sân golf Đông Triều, Hạ Long Xanh.
Xây dựng các hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, gắn kết du lịch với các ngành bán lẻ, dịch vụ ăn uống, nhà hàng - khách sạn, nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng trong phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động trong phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ…
Lê Mai
Bình luận