Hotline: 0941068156
Thứ năm, 29/05/2025 06:05
Thứ ba, 27/05/2025 13:05
TMO - Hiện nay, nhiều di tích tháp Chăm tại tỉnh Quảng Nam đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Trước thực tế đó, địa phương này dành nguồn lực để trùng tu các di tích, qua đó phục vụ phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Quảng Nam là vùng đất in đậm dấu ấn của nền văn hóa Champa, đến nay trên địa bàn tỉnh còn hiện hữu nhiều di tích Chăm nổi bật như Khu đền tháp Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương, tháp Chăm Chiên Đàn, tháp Chăm Bằng An, tháp Chăm Khương Mỹ…
Trong đó, khu tháp Chiên Đàn thuộc địa phận làng Chiên Đàn nay là xã Tam An, huyện Phú Ninh, cách trung tâm Tam Kỳ khoảng 3km. Đây là cụm tháp Chăm thuộc loại truyền thống gồm 3 tháp với tháp Giữa có quy mô lớn nhất gồm 3 tầng, các tầng trên bị thu nhỏ dần có cạnh dài 9,02m, cao hơn 20m; các tháp Nam và Bắc (phần trên đã bị mất) cạnh chỉ từ 7,6 - 7,7m. Khu đền tháp đã được tạo ra trong suốt thời gian dài từ cuối thế kỷ 9 đến cuối thế kỷ 11, trong suốt cả quãng thời gian tồn tại của phong cách chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn A1 và phong cách Bình Định…
Khảo sát hiện trạng của các cơ quan chuyên môn cho biết, cấu trúc mái của tháp Bắc và tháp Giữa đã bị sụp đổ không nhận diện được. Hiện phần còn lại của các tầng mái tháp bị nhiều cây dại mọc trùm lấp, trong đó có một số cây khá lớn đe dọa cho cấu trúc xây gạch của tháp. Dựa vào kết cấu khối kiến trúc đế và thân tháp cho biết tháp có bộ mái nhiều tầng thu nhỏ dần lên như truyền thống các kiến trúc tháp thờ Champa.
Tỉnh Quảng Nam dành khoảng 16,8 tỷ đồng để tu bổ khu tháp Chiên Đàn.
Trên cấu trúc thân tháp hiện vẫn còn thấy rõ dấu vết gia cố chống xuống cấp được thực hiện trong những năm thập niên 90. Toàn bộ phần chân tháp, gồm cả bốn mặt tường đều đã đổ vỡ, chỉ còn lại dấu vết của một vài khối đá ốp trang trí chân tháp tạc hình vũ nữ. Nền tháp bằng đất nện không bằng phẳng, thực vật xâm thực. Cấu trúc xây cửa giả trên cả bốn mặt đều đã được gia cố bổ sung bằng các khối xây gạch chỉ theo giải pháp tương tự.
Phần thân tháp hư hại bề mặt, các chi tiết trang trí bị sứt, vỡ chỉ còn dấu vết. Nhiều khối xây đã được gia cố bằng gạch và vữa xi măng. Tháp bị thực vật xâm thực. Bên trong thân tháp rêu mốc, ám khói, còn lại dấu vết của chi tiết trang trí bằng đá và hốc trang trí hình lá đề. Cấu trúc thân mái tầng hai cũng đã bị hư hại nặng nề, các khối trang trí đều đã mất bề mặt, gạch xây nhiều chỗ đã mất liên kết, có nguy cơ rời ra gây sụp đổ. Phần mái trên đã sụp mất từ lâu. Theo dự đoán, chiều cao tầng mái đã bị mất này có thể tới 4m. Do phần mái đã bị mất nên khối xây khép vòm đỉnh tháp cũng bị cắt ngang…
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị tháp Bắc, tháp Giữa thuộc di tích quốc gia tháp Chăm Chiên Đàn (xã Tam An, huyện Phú Ninh) nhằm phục hồi, ổn định lâu dài cho các cấu trúc của di tích; góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 16,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng gần 14,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư xây dựng cụ thể gồm các hạng mục chính: Tu bổ, gia cố gia tích như dọn dẹp phát lộ mặt bằng và thu gom hiện vật quanh chân tháp; tháo dỡ các khối xây gia cố bằng vữa xi măng, gạch cũ (trước đây), thay thế các viên gạch đã bị mục, vỡ tại các vị trí hư hại nhẹ trên bề mặt đế và tường tháp.
Gia cố, tái định vị các khối xây gạch phần đế và tường tháp; bổ sung các tai đá góc tháp bị mất, gãy. Xây bổ sung bậc cấp và vai bậc theo hình thức phỏng dựng với các hình khối đơn giản, bậc xây gạch phục chế; xây phục hồi bổ sung các phần bị đổ, mất hoặc mất ổn định trên đế và thân tường.
Phục hồi hình khối các ô hộc và trang trí căn cứ trên cơ sở các thành phần gốc còn lại; gia cố vết nứt tường, khoan neo các khối gạch góc mái tháp. Tái định vị các thanh đá trụ, ngưỡng và bậc đá cửa; phục hồi nền trong thân tháp, lát gạch Chăm phục chế, xử lý toàn bộ bề mặt gạch. Tháo dỡ hệ mái che hiện trạng và làm mới mái che trên đỉnh tháp Bắc bằng khung sắt hộp, kính cường lực; chống mối toàn bộ công trình và các hạng mục có liên quan.
Bên cạnh đó là các hạng mục phụ trợ phục vụ hoạt động tu bổ di tích như: Lắp đặt hệ dàn giáo phục vụ thi công; Các hạng mục cấp điện, nước, bể sơ chế gạch và các hạng mục phụ trợ khác phục vụ trùng tu. Trước đó, Văn Hóa đã nhiều lần phản ánh hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng, cần bảo tồn khẩn cấp đối với di tích quốc gia tháp Chăm Chiên Đàn.
Tỉnh Quảng Nam dành nguồn lực cho tu bổ các tháp Chăm, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, thời gian qua cơ quan chức năng đã và đang tiến hành một số dự án: Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Bắc, tháp Giữa thuộc Di tích tháp Chăm Khương Mỹ (hoàn thành cuối năm 2022); Dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Nam thuộc Khu di tích tháp Chăm Chiên Đàn (hoàn thành cuối năm 2023); Dự án bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tháp Nam thuộc di tích tháp Chăm Khương Mỹ (đang triển khai)…, góp phần đáng kể vào việc tăng sức chống chịu cho di tích.
Ngoài ra, một số dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích do sở làm chủ đầu tư với vốn ngân sách tỉnh gồm: Dự án tháp Bắc và tháp Giữa (thuộc tháp Chăm Chiên Đàn); tháp Chăm Bằng An; tháp Sáng (thuộc di tích Phật viện Đồng Dương) với tổng kinh phí hơn 37 tỷ đồng. Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành các bước tiếp theo và dự kiến hoàn thành các dự án vào cuối năm 2025.
Việc triển khai tu bổ sẽ tập trung vào việc bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong quá trình thi công tu bổ di tích. Hoạt động tu bổ có sự giám sát của cộng đồng dân cư địa phương, thường xuyên tham vấn ý kiến của các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nghệ nhân và cộng đồng.../.
Ngọc Lan
Bình luận