Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 02:11
Thứ hai, 18/12/2023 18:12
TMO - Để chủ động phòng ngừa ứng phó với thiên tai, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều biện pháp phòng tránh và ứng phó, trong đó chú trọng phương châm "4 tại chỗ", nhất là triển khai nhân rộng mô hình chòi tránh lũ, xây khu tái định cư tránh bão, lũ.
Quảng Nam là một trong những tỉnh nằm ở khu vực miền Trung, hàng năm người dân chịu ảnh hưởng lớn những trận bão mạnh; những cơn lũ quét bất ngờ; những trận lụt lớn gây thiệt hại về người, tài sản và hoa màu của người dân trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tại Quảng Nam, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề, tập trung trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đại Lộc,... ước tổng thiệt hại khoảng 4.900 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chịu ảnh hưởng thiên tai như nắng nóng, mưa lớn, dông dét, mưa đá… gây thiệt hại về nhà, trang thiết bị, rau màu và lúa sắp thu hoạch vụ đông xuân của người dân. Báo cáo của UBND tỉnh cho biết, 3 đợt mưa lũ từ ngày 11/10 - 18/10, từ 30/10 - 1/11, từ 12/11 - 17/11/2023 gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gây thiệt hại hơn 246 tỷ đồng.
Trong đó, đợt mưa lũ từ ngày 11/10 - 18/10 gây thiệt hại 188,3 tỷ đồng, làm 1 người chết, 1 người bị thương, 12 nhà bị hư hỏng. Ngành nông nghiệp thiệt hại nặng nề với 41ha lúa, 334ha hoa màu, hàng trăm nghìn chậu hoa cây cảnh bị thiệt hại. Ngoài ra, diện tích cây ăn quả một số vùng bị thiệt hại; số lượng lớn gia súc, gia cầm bị chết; đê, kè, cầu cống, cột điện, đường giao thông bị hư hỏng, sạt lở. Đợt mưa lũ từ ngày 12/11 - 17/11 khiến 1 người chết, 11 điểm trường bị ảnh hưởng, 1 công trình văn hóa bị thiệt hại. Cùng với đó là thiệt hại 20ha lúa, 60ha hoa màu, 1,5 triệu cây cảnh, hoa, 4ha rừng… Các công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển, đường giao thông cũng bị sạt lở, hư hỏng; ước tính tổng thiệt hại trong đợt này khoảng 75,8 tỷ đồng.
Thiên tai đặc biệt là mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo UBND tỉnh, qua 3 đợt mưa trong tháng 10 và 11, các hồ chứa thủy lợi thực hiện tích nước dần, cao trình mực nước tương ứng với thời gian các tháng trong năm theo quy trình vận hành hồ chứa. Còn các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 thực hiện vận hành đảm bảo theo quy trình.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, tỉnh Quảng Nam xác định việc ứng phó nhanh, có sự chỉ đạo, triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, phối hợp chặt chẽ... là phương châm nhất quán để ứng phó với thiên tai theo các cấp độ rủi ro trên địa bàn tỉnh năm 2023. Để giúp người dân ở vùng bão, lũ có được những chòi/phòng trú bão, lũ, lụt, năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND (Nghị quyết 32) quy định về mức hỗ trợ xây dựng chòi/phòng trú, bão, lũ, lụt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là các hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ có mức sống trung bình được pháp luật quy định (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025); hộ gia đình nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão lũ nhưng chưa có nhà ở kiên cố; hộ gia đình chưa có nhà ở kiên cố hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng đã hư hỏng, xuống cấp, chưa kiên cố, chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà.
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Nam sẽ triển khai cho khoảng 12.300 hộ, với mức kinh phí khoảng hơn 100 tỷ đồng. Việc hỗ trợ xây dựng chòi/phòng để trú bão, lũ lụt nhằm giúp các hộ dân sinh sống ở khu vực thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai có điều kiện giảm nhẹ thiệt hại, thích ứng với biển đổi khí hậu.
Nhằm cập nhật thông tin nhanh chóng từ các dữ liệu phòng chống thiên tai, ngay từ tháng 8/2023, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã hoàn thiện ứng dụng phòng chống thiên tai - Phòng chống thiên tai Quảng Nam để triển khai trên địa bàn tỉnh và đề nghị cán bộ, các tầng lớp nhân dân cài đặt ứng dụng này. Ứng dụng hiển thị nhiều thông tin như: Vị trí Phản ánh thiên tai, Vị trí an toàn, Vị trí nguy hiểm, Vị trí ngập lụt, Vị trí sạt lở mà bạn chọn.
Trong phần Phản ánh Thiên tai bao gồm Phản ánh về mưa đá, Phản ánh về giông lốc, Phản ánh về xâm nhập mặn, người dùng có thể xem lượng mưa trong mục Đo mưa, bản đồ hiển thị các vị trí có lượng mưa theo Hệ thống đo mưa Vrain với các màu sắc thể hiện lượng mưa khác nhau. Ngoài ra, trên ứng dụng còn thêm liên hệ của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Đài thông tin Duyên hải, Bộ đội biện phòng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Trụ sở chính), Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực I, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực II, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực III, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Khu vực IV.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó, có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời.
Hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam đều ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai theo các kịch bản, UBND tỉnh thường xuyên gửi công điện khẩn ứng phó với thiên tai. Ngoài ra, địa phương này cũng tăng cường bồi dưỡng cán bộ công tác trong lĩnh vực này và tổ chức tập huấn hướng dẫn công tác phòng chống thiên tai, ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.
Để công tác ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kịp thời, UBND tỉnh Quảng Nam tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền tin, cảnh báo thiên tai. Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, nhất là các khu vực có dân cư, trường học, công sở, doanh trại, nhà máy, xí nghiệp...
Công tác tuyên truyền được tăng cường, tập trung hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, huy động tri thức, thông tin từ người dân để phát hiện, thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tại khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó, có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn phù hợp, kịp thời.
Để chủ động trong mọi tình huống, người dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiên tai, nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh, hướng dẫn cảnh báo của chính quyền và cơ quan chức năng; đồng thời nâng cao ý thức chủ động, tự giác tham gia cùng chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Thu Hường
Bình luận