Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 23:11
Thứ năm, 02/11/2023 07:11
TMO - Để bảo vệ những loài chim hoang dã trong mùa di cư, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã triển khai hàng loạt các giải pháp, thu gom, tháo dỡ, tiêu huỷ dụng cụ bẫy chim trên các cánh đồng.
Hằng năm cứ vào mùa nước lên cho đến những tháng cuối năm là thời điểm các loài chim di cư tìm đến những cánh đồng, lùm cây trú ngụ và tìm kiếm thức ăn. Ngay từ tháng 8 nhiều địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ đã thành lập các tổ liên ngành nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt chim hoang dã với sự phối hợp của cả lực lượng hạt Kiểm lâm Lệ Thuỷ với Công an các xã như Phú Thuỷ, Mai Thuỷ, Hoa Thuỷ đã tổ chức 178 đợt truyên truyền ra quân kiểm tra 48 đợt, tịch thu, tháo dỡ các dụng cụ săn bắt gồm hơn 3170 con chim giả, trên 5000 que dạ, 3 bộ máy phát tính hiệu, 58 bẫy kẹp và các loại súng ná cao su…
Đại diện Chi cục Kiểm lâm huyện Lệ Thuỷ cho biết, để ngăn chặn nạn săn bắt chim trời trong mùa mưa bão, các lực lượng chức năng cùng chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động và thực hiện ký cam kết với các hộ dân và xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm mua, bán, bẫy bắt chim trời trên địa bàn. Riêng xã Mai Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ trạm Kiểm lâm đường 16 phối hợp với Công an và địa phương thu giữ nhiều dụng cụ săn bắt như bẫy sắt, cò gả, bình ắc quy. Lực lượng chức năng phát thông báo đến người dân khoanh vùng và điều tra vi phạm. Sau đó tiến hành tiêu huỷ các dụng cụ săn bắt chim, đồng thời thả chim về với tự nhiên.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình ra quân tháo dỡ nạn bẫy chim trời. Ảnh: PL.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 436 cuộc kiểm tra; tháo gỡ, tiêu hủy và xử lý 8.520 chim mồi giả, 17.641m lưới, 67.807 que nhạ, 3 lùm, lán ẩn nấp, 6 máy phát tín hiệu để bẫy bắt chim và thả về môi trường 127 chim mồi sống. Lực lượng chức năng đã xử lý một số đối tượng có hành vi sử dụng các công cụ để bẫy bắt chim hoang dã, di cư; tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc bắt giữ và xử lý các đối tượng vi phạm về hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn và có nhiều hạn chế do địa bàn hoạt động của các đối tượng này thường nằm ở vùng hoang vắng, khó kiểm tra, kiểm soát.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương yêu cầu các đối tượng chuyên nghề săn bắt chim trời phải ký cam kết chấm dứt hoạt động; đồng thời tiếp tục kiểm tra, phát hiện để tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim trái phép, xóa các tụ điểm mua, bán chim tự nhiên; tuyên truyền người dân không săn bắt, mua bán, tiêu thụ chim tự nhiên.
Trước đó, ngày 20/10/2023 UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 2127 tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch các uỷ ban các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan nghiêm chỉnh chấp hành và phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư. Không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tràng trữ, quảng cáo, các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các cá thể chim để phóng sinh.
Đồng thời các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, chợ chim hoang dã, các khu vực trọng điểm, đầu nậu về săn, bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; xử lý nghiêm về hành vi săn bắt, bẫy, bắn, giết mổ, vận chuyển kinh doanh, chế biến tràng trữ các loài chim hoang dã, di cư. Thực hiện phòng ngừa dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã di cư.
Tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm hành vi săn bắt mua bán vận chuyển và tiêu thụ chim hoang dã sẽ bị xử lý vi phạm hành chính lên đến đến 360 triệu đồng theo quy định Điều 21, Điều 22, Điều 23 nghị định số 35 năm 2019 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về bảo tồn động vật hoang dã.
Bảo vệ các loài chim hoang dã trong mùa di cư hàng năm chính là sự bảo vệ đa dạng sinh học tự nhiên góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, để hạn chế triệt để hành vi giăng lưới săn bắt chim di cư hiện nay ngoài sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các lực lượng chức năng thì cần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ đa dạng sinh học đặc biệt bảo vệ chim trời trong mùa di cư.
Nguyễn Hoàng
Bình luận