Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 11:01
Thứ năm, 12/01/2023 02:01
TMO - Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên nước đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung, đặc biệt với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và sinh hoạt, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có nguồn nước mặt nội tỉnh.
Với vị trí là tỉnh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền núi phía Bắc, Vĩnh Phúc là nơi hợp lưu của các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Đà và sông Phó Đáy. Cùng với hệ thống các sông nội tỉnh (sông Phan, sông Cà Lồ, sông Cầu Tôn, sông Tranh) và mạng lưới suối, khe, lạch, Vĩnh Phúc còn có hệ thống các hồ, đầm phong phú bao gồm hệ thống hồ, đầm tự nhiên, như: Đầm Vạc (Vĩnh Yên), đầm Riệu (Phúc Yên), đầm Rưng, hồ Vực Xanh (Vĩnh Tường)... các hồ thủy lợi nhân tạo, như: Vân Trục (Lập Thạch); Đại Lải (Phúc Yên); Xạ Hương, Làng Hà, Vĩnh Ninh, Đồng Mỏ (Tam Đảo); Bò Lạc, Suối Sải (Sông Lô); Thanh Lanh, Gia Khau, Hương Đà (Bình Xuyên)... chứa hàng triệu m3 nước, tạo nên nguồn dự trữ nước mặt phong phú, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh có các con sông lớn là sông Hồng, sông Lô, sông Đà và sông Phó Đáy chảy qua, cung cấp nguồn nước mặt dồi dào. Ảnh: K.Linh
Tuy nhiên, lượng nước mặt của tỉnh phân bố không đồng đều do địa hình và phân bố dòng chảy có sự khác biệt giữa các vùng. Bên cạnh đó, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thay đổi theo mùa, nhất là vào mùa khô (từ tháng 11 và kéo dài 6 - 7 tháng), hầu hết các lưu vực sông nội tỉnh đều thiếu nước, lượng nước trong thời điểm này chỉ bằng khoảng 20 – 30 % lượng nước của cả năm dẫn đến tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại một số huyện thuộc vùng trung du và miền núi của tỉnh (Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch).
Cùng với đó, tốc độ gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... và thói quen sinh hoạt, khai thác quá mức, sử dụng lãng phí, thiếu ý thức bảo vệ, gây ô nhiễm của người dân đã và đang gây ra những áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước. Lượng nước thải phát sinh chủ yếu từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và y tế đổ vào các sông nội tỉnh, hồ, đầm ngày càng tăng dẫn đến chất lượng nước mặt ngày càng suy giảm. Tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hồ chứa trong tỉnh và nguồn nước dưới đất ở một số địa phương đang diễn ra ngày càng gay gắt... Vì thế việc tăng cường các giải pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, trong đó có nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Để ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đến chất lượng nguồn nước, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện công khai các thông tin liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước; theo dõi, giám sát các biến động về nguồn nước của các tuyến sông, suối, hồ, ao, đầm chính trên địa bàn; siết chặt công tác thẩm định và cấp phép khai thác, sử dụng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động xả thải vào nguồn nước của doanh nghiệp.
Công tác thanh, kiểm tra đã góp phần nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước của các cấp, các ngành liên quan; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên nước của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, từ đó thay đổi nhận thức của cộng đồng về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước. Cùng với đó, tỉnh thực hiện quy hoạch và lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước; đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị; xây dựng các trạm xử lý và kiểm soát nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN)..
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2036/QĐ - UBND về danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Theo đó, toàn tỉnh có 303 nguồn nước mặt nội tỉnh thuộc sông, đoạn sông, suối, kênh, rạch. Trong đó, huyện Vĩnh Tường có số lượng nhiều nhất với 51 sông, đoạn sông, suối, kênh, rạch; tiếp đó là huyện Yên Lạc (37); huyện Tam Dương (32); huyện Bình Xuyên (28) sông, đoạn sông, suối, kênh, rạch... Cùng với đó, UBND ban hành Quyết định số 1687/QĐ - UBND Phê duyệt danh mục 874 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh cũng như danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh.
Việc lập và ban hành danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh cũng như danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp nhằm tuân thủ các quy định về quản lý tài nguyên nước; xác định nguồn tài nguyên nước và điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý. Đây cũng là cơ sở quan trọng để tổ chức, lập quy hoạch vùng, tỉnh liên quan đến phần đất có mặt nước, từ đó đề ra giải pháp bảo vệ nguồn nước, nghiêm cấm các hành vi san lấp, lấn chiếm và sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo về quy chế Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Theo đóm thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật. Lập và tổ chức thực hiện Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trong Quy hoạch tỉnh. Lập và thực hiện kế hoạch điều hòa, phân bổ tài nguyên nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm, cạn kiệt.
Tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông....
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉnh Vĩnh Phúc hướng đến mục tiêu nguồn tài nguyên nước nói chung và nguồn nước mặt nói riêng trên địa bàn tỉnh sẽ được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả, tiết kiệm, góp phần quan trọng trong phòng chống suy thoái, cạn kiệt tài nguyên nước, đáp ứng phục vụ các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Thanh Nhàn
Bình luận