Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Thứ năm, 26/05/2022 21:05
TMO - Xác định tài nguyên đất đai là nguồn lực quan trọng trong thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, thời gian qua tỉnh Bắc Ninh tăng cường công tác chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên này.
Hiện nay, Sở TN&MT tỉnh đang hoàn thành việc thẩm định, trình tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 của 8 huyện, thành phố. Theo đó, chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp trong 10 năm tới của tỉnh giảm 27.080 ha để chuyển sang đất phi nông nghiệp.
Đồng thời, tiến hành lập đề cương, dự toán dự án Kế hoạch sử dụng đất 5 năm tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh triển khai hoàn thiện các nhiệm vụ trong quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai
Để hạn chế tối đa các sai phạm, tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giới thiệu địa điểm, lập và điều chỉnh dự án đầu tư khi thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.
Nhanh chóng rà soát những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, quá trình thực hiện các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục đất đai.
Trong năm 2021, ngành Tài nguyên đã trình tỉnh thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 41 dự án với diện tích 421,5 ha; phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, giá cụ thể làm căn cứ tính tiền khi Nhà nước thu hồi đất, tính tiền sử dụng đất của 10 dự án; phê duyệt phương án đấu giá, kết quả trúng đấu giá, quyết định đấu giá đối với 48 dự án sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hơn 100 dự án đất dân cư dịch vụ, diện tích gần 1000 ha, bảo đảm tính công khai, minh bạch, đúng mục đích sử dụng.
Đồng thời, cơ quan này cũng đã hoàn thành việc lập Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thẩm định, trình tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; kế hoạch định giá đất cụ thể; danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế: Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án, đặc biệt các dự án trọng điểm còn chậm so với tiến độ, do việc xác định nguồn gốc sử dụng đất gặp nhiều khó khăn Đặc biệt, tình hình vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra ở một số địa phương, một số nơi mang tính chất nghiêm trọng. Trong đó, hiện tượng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng các công trình trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm ao hồ, giao thầu trái quy định...
Năm 2022 các huyện, thành phố đăng ký 1.342 dự án với tổng diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng khoảng 4.686,7 ha. Để thực hiện hiệu quả các dự án, ngành Tài nguyên bám sát sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh".
Tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng, địa phương phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế xã hội
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kịp thời tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tình trạng vi phạm đất đai. Trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất kém hiệu quả; xử lý nghiêm các trường hợp giao đất trái thẩm quyền, lấn chiếm đất.
Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý đất đai ở cấp xã, thôn, bảo đảm sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm.
Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm tính công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án; bãi bỏ, điều chỉnh các nội dung, giấy tờ không đúng quy định, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Hoài Lan
Bình luận