Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 03:11
Chủ nhật, 12/05/2024 07:05
TMO - Nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, Đắk Lắk đẩy mạnh công tác quản lý mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói nông sản trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 655.985 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 51.798 ha cây ăn quả các loại. Riêng cây sầu riêng có đến 22.458 ha, sản lượng đạt gần 200 nghìn tấn mỗi năm. Những năm qua, cây sầu riêng mang lại giá trị kinh tế cao cho nên nông dân ở Đắk Lắk ồ ạt mở rộng diện tích, dự báo trong vài năm tới, diện tích cây sầu riêng của tỉnh tăng nhanh và sản lượng lên tới hàng trăm nghìn tấn mỗi năm.
Chính vì vậy, để các loại nông sản của Đắk Lắk nói chung, quả sầu riêng nói riêng được xuất khẩu chính ngạch ra thị trường thế giới nhiều hơn thì việc mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói bảo đảm tuân thủ quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là yêu cầu cấp thiết.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc triển khai cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho các loại nông sản và trái cây xuất khẩu theo quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc được tỉnh Đắk Lắk triển khai trong nhiều năm qua, nhất là khi Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc được ký kết vào ngày 11/7/2022.
Sầu riêng là cây trồng chủ lực được đẩy mạnh cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo thuận lợi cho xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, Đắk Lắk đã có 68 mã vùng trồng (khoảng 2.521 ha), còn 147 vùng trồng sầu riêng (3.500 ha) đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra phê duyệt. Đối với mã vùng trồng do các doanh nghiệp (DN) đại diện đứng tên thì việc sử dụng mã số theo hai hình thức: sử dụng mã số để trực tiếp xuất khẩu sản phẩm; ủy quyền cho DN khác sử dụng mã số (DN được ủy quyền phải mua sản phẩm từ vùng trồng của DN ủy quyền). Trường hợp do hợp tác xã (HTX) làm đại diện đứng tên vùng trồng mà không trực tiếp xuất khẩu thì ủy quyền cho DN mua sản phẩm từ vùng trồng của HTX.
Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% tổng diện tích. Đồng thời, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh nhằm tạo ra các vùng nguyên liệu đủ lớn, chất lượng tốt để làm cơ sở thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích 5.400 ha. Diện tích tập trung tại thị xã Buôn Hồ và các huyện Cư M'gar, Krông Pắc, Ea H'leo, Krông Năng, Krông Búk.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khi nhận thức của đại diện vùng trồng còn nhiều hạn chế, chưa thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia chuỗi liên kết, cũng như giá trị, tầm quan trọng của mã số được cấp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, nhiều đại diện vùng trồng chưa thực hiện ghi sổ nhật ký canh tác thường xuyên, liên tục; chưa phối hợp tích cực với cơ quan chuyên môn trong việc điều tra nguyên nhân vi phạm và đưa ra các biện pháp khắc phục khi nhận được thông báo vi phạm của nước nhập khẩu…
Các địa phương cần khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý mã số vùng trồng, mã số đóng gói nông sản xuất khẩu.
Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch triển khai công tác thiết lập, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn và đưa hoạt động này đi vào thực chất, hiệu quả hơn. UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở NN&PTNT là cơ quan đầu mối, chủ động phối hợp triển khai, hướng dẫn cấp, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cung cấp thông tin về quy định của nước nhập khẩu cho các địa phương, tổ chức, cá nhân biết để chủ động thực hiện; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật giải quyết các trường hợp không tuân thủ theo thông báo của nước nhập khẩu; giám sát đột xuất vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số…
UBND tỉnh Đắk Lắk giao UBND cấp huyện chủ động quy hoạch, thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, thúc đẩy và kiểm soát chặt chẽ liên kết giữa người dân với đơn vị xuất khẩu; giao Phòng NN&PTNT hoặc phòng Kinh tế là cơ quan đầu mối cấp huyện triển khai công tác thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu, cung cấp thông tin dự báo thị trường để các sở, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan Đắk Lắk tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội sầu riêng đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về các quy định, yêu cầu của nước nhập khẩu; vận động hội viên, nhân dân nhận thức rõ về mục đích, ý nghĩa của mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
Đối với chủ sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia; nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đồng thời, chủ sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói chủ động bảo vệ mã số của mình nhằm hạn chế tình trạng giả mạo, lấy cắp mã số vùng trồng. Riêng đối với chủ sở hữu mã số cơ sở đóng gói phải kiểm tra sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Lê Mai
Bình luận