Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 28/12/2024 23:12
Chủ nhật, 26/06/2022 18:06
TMO - Nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, san lấp và nguyên liệu sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022.
Theo đó, địa phương này sẽ triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022 với 11 khu vực, trong đó 9 khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp và 2 khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cụ thể, 2 khu vực mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường gồm mỏ đá ở thôn 10, xã Lộc Hòa (huyện Phú Lộc) với diện tích 20 ha, trữ lượng 8.006.276 m3 và mỏ đá khu vực xã Phú Mậu, xã Hương Phú (huyện Nam Đông) với diện tích 4,8 ha, trữ lượng 743.142 m3.
Trong số 9 mỏ đất làm vật liệu san lấp có 4 mỏ ở phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy), gồm mỏ đất khu vực vùng đồi 1, diện tích 9,5 ha, trữ lượng 800.000 m3; mỏ đất khu vực vùng đồi 2, diện tích 14 ha, trữ lượng 1.000.000 m3; mỏ đất khu vực đồi Trốc Voi 1, diện tích 14 ha, trữ lượng 1.500.000 m3; mỏ đất khu vực đồi Trốc Voi 2, diện tích 15ha, trữ lượng 1.000.000 m3.
Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2022 nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này
Các mỏ đất còn lại gồm mỏ đất khu vực thôn 4, xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) có diện tích 15 ha, trữ lượng 1.200.000 m3; mỏ đất khu vực đồi Trung Kiền, xã Phong Thu (huyện Phong Điền), diện tích 23,77 ha, trữ lượng 1.500.000 m3; mỏ đất khu vực thôn Phường Hóp, xã Phong An (huyện Phong Điền), diện tích 10 ha, trữ lượng 522.471 m3.
Mỏ đất vực Khe Băng 4, phường Hương Vân và xã Hương Bình (thị xã Hương Trà), diện tích 18,1 ha, trữ lượng 1.600.000 m3; mỏ đất khu vực đồi Khe Bội 1, phường Hương Xuân, phường Hương Vân và xã Hương Bình (thị xã Hương Trà), diện tích 26 ha, trữ lượng 2.340.000 m3.
Việc đấu giá này sẽ làm căn cứ pháp lý cho việc lập thủ tục cấp giấy khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản 2010, trên nguyên tắc đảm bảo tính công khai, minh bạch, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Ngoài ra cũng nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, san lấp và nguyên liệu sản xuất gạch ngói trên địa bàn tỉnh, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Trường hợp trong năm 2022 chưa thực hiện hết việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản các khu vực đã phê duyệt kể trên thì chuyển sang đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2023.
Nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu san lấp cho các dự án, công trình ngày càng gia tăng, đòi hỏi cần được quản lý chặt chẽ. Ảnh: Song Minh
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 mỏ đất làm vật liệu san lấp đang hoạt động với diện tích 123,86ha, tổng trữ lượng khai thác là hơn 11 triệu m3; công suất khai thác là hơn 2,37 triệu m3/năm. Ngoài ra, UBND tỉnh còn cấp phép khai thác khoáng sản đất tầng phủ của các mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh để phục vụ các nhu cầu đất đắp.
Giai đoạn 2021-2025, hàng loạt dự án, công trình, nhất là hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai ở địa phương có nhu cầu về nguồn đất san lấp khá lớn. Do đó, UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, có 40 vị trí quy hoạch đất làm vật liệu san lấp, với tổng diện tích 805ha và tổng trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 58 triệu m3.
Đồng thời, Sở TN&MT đã triển khai cấp phép thăm dò khai thác đất làm vật liệu san lấp theo quy định pháp luật khoáng sản và quy định liên quan với 2 phương thức: đấu giá quyền khai thác khoáng sản và cấp phép theo phương thức lựa chọn tổ chức, cá nhân để cấp phép, đáp ứng nhu cầu cung ứng cho các dự án, công trình xây dựng đang triển khai tại địa phương.
Minh Phương
Bình luận