Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Chủ nhật, 11/09/2022 21:09
TMO - Với cảnh quan thiên nhiên, nhiều di sản văn hóa thuộc kỳ quan thế giới cùng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng hoàn thiện, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phục hồi và phát triển bền vững thị trường khách du lịch quốc tế là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 8/2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 486.400 lượt người, tăng 38% so với tháng 7/2022. Tính chung 8 tháng của năm 2022, lượng khách quốc tế đạt hơn 1,44 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019-thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội lượng khách quốc tế đã tăng trở lại tuy nhiên vẫn chưa thể đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong tháng 8 ước đạt 617.198 lượt. Tính chung 8 tháng của năm 2022 khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 1.382.783 lượt. Thành phố đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.
Đối với TP Hà Nội, khi ngành du lịch phục hồi, Hà Nội dự kiến đón khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022. Năm 2023, con số này dự kiến sẽ đạt 3 triệu lượt khách và phấn đấu đến 2025 sẽ đón và phục vụ 7 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, lượng khách đã đón chưa đáp ứng được kỳ vọng và còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trong tháng 8 thành phố đón 156.000 lượt khách quốc tế.
Ngành du lịch đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phục hồi và phát triển thị trường khách du lịch quốc tế.
Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ đón 5 triệu khách quốc tế. Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng khách quốc tế năm 2022 trong những tháng còn lại của năm 2022, các chuyên gia cho rằng ngành du lịch cần nhanh chóng triển khai chiến lược mang tính linh hoạt, đồng bộ, tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hút khách.
Trong đó, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch tại các thị trường có tiềm năng mở rộng khai thác như Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông, Úc, ASEAN…. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời gian cấp visa vào Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày; cải tiến quy trình cấp visa điện tử để tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đăng ký...
Vừa qua, tại Diễn đàn du lịch cấp cao: Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế bền vững do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, để phát triển thị trường du lịch quốc tế cần giải pháp cụ thể từ cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia, thúc đẩy liên kết với du lịch các nước có nguồn khách du lịch quốc tế lớn để kết nối thêm chuyến đi đến Việt Nam; liên kết khu vực tập trung thực hiện chương trình “các quốc gia, 1 điểm đến"…
Đề cập đến giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ sẽ xem lại các vướng mắc trong các chính sách để tháo gỡ cho doanh nghiệp du lịch trở lại thị trường; chẳng hạn như giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung doanh nghiệp để doanh nghiệp du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này; cùng doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tập trung tổ chức tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực...
Đánh giá về tiềm năng phát triển khách du lịch tại các thị trường quốc tế, các chuyên gia tại Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng Trung Quốc vốn là một trong những thị trường nguồn quan trọng của Việt Nam với sức tăng trưởng lượng khách bình quân 34,4% mỗi năm từ 2015 đến 2019. Năm 2019, Trung Quốc vẫn là dòng khách du lịch lớn nhất với 5,8 triệu lượt. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn chưa mở cửa trở lại, do kiên trì với chính sách Zero-Covid. Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam cần xác định thị trường có thể tăng trưởng nhanh trong ngắn hạn.
Tập trung khai thác các thị trường chủ lực đồng thời mở rộng quảng bá du lịch tại các thị trường tiềm năng tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi và phát triển thị trường khách du lịch quốc tế. Ảnh: Tâm Linh
Trong 8 tháng của năm 2022, Hàn Quốc dẫn đầu trong bảng xếp hạng 10 thị trường gửi khách đến Việt Nam với 369.800 lượt khách, chiếm 26% tổng số khách. Các chuyên gia dự đoán thị trường này được dự đoán tiếp tục tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Ngoài ra, năm 2022 Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, với hàng loạt sự kiện được tổ chức ở cả hai nước. Đây là cơ hội quảng bá tốt cho ngành du lịch Việt Nam tới người dân tại quốc gia này.
Thị trường trong khối ASEAN cũng được đánh giá có tiềm lực lớn. Một số thị trường ở Đông Nam Á phục hồi rất tốt. Khách từ Campuchia trong tháng 8.2022 tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Lào tăng 136%; Singapore và Thái Lan giảm lần lượt 29% và 36% so với trước dịch.
Ngoài ra, Trung Đông và Ấn Độ được đánh giá là hai thị trường có tiềm năng trong tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Những năm gần đây, hơn 20 đường bay trực tiếp kết nối các thành phố lớn của Việt Nam-Ấn Độ đã được mở, cho thấy triển vọng khai thác du lịch lớn giữa hai quốc gia.
Theo Tổng cục Du lịch, Trung Đông là thị trường lớn gồm 17 quốc gia và một vùng lãnh thổ với dân số trên 400 triệu người. Không chỉ nổi tiếng về dầu khí, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới, Trung Đông còn là thị trường gửi khách có tiềm năng lớn.
Để thu hút du khách từ thị trường Trung Đông, trước tiên các cơ quan nhà nước Việt Nam cần tăng cường truyền thông về du lịch Việt Nam như: phát sóng các video giới thiệu về du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình của khu vực, kết hợp với các travel blogger, influencer quảng bá du lịch Việt Nam; cung cấp thông tin về các sự kiện du lịch quốc tế tại Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài... để mời các cơ quan và doanh nghiệp lữ hành tại các nước tham dự.
Trong bối cảnh thị trường quốc tế cần thời gian để phục hồi, du lịch Việt Nam nên tập trung khai thác các thị trường khách đã có sự kết nối thuận lợi về hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, các nước ASEAN; đồng thời chuyển hướng khai thác những thị trường mới có nhiều tiềm năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông.
Vừa qua, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 29 (World Travel Awards) khu vực châu Á-châu Đại Dương năm 2022 diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã được xướng tên ở hàng loạt giải thưởng danh giá như: Điểm đến hàng đầu châu Á, Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam được vinh danh là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á. Nhiều địa phương, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam được vinh danh ở nhiều hạng mục.
Các giải thưởng này đã góp phần nối dài những thành tích quốc tế uy tín mà du lịch Việt Nam đạt được thời gian qua, tiếp tục khẳng định vị thế, thương hiệu du lịch quốc gia trên bản đồ du lịch thế giới. Với sự ghi nhận này cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Việt Nam kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022.
Nguyễn Ngọc
Bình luận