Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 16:12
Thứ sáu, 09/09/2022 13:09
TMO - Năm 2022, tỉnh Yên Bái xây dựng mới 5 sản phẩm du lịch cộng đồng, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch theo 4 vùng du lịch trọng điểm gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, hướng tới mục tiêu sẽ đón và phục vụ trên 1,1 triệu lượt du khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt khoảng 845 tỷ đồng.
Thời gian qua, việc triển khai kết hợp giá trị thiên nhiên kỳ vĩ cùng văn hóa truyền thống đa sắc, mang đậm bản sắc dân tộc đang trở thành xu hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững, hiệu quả, góp phần đưa Yên Bái thành một trong những điểm đến hàng đầu khu vực Tây Bắc.
Nhiều danh thắng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch, bảo tồn, quản lý và có lộ trình cho việc đầu tư, khai thác phát triển du lịch, như đỉnh Tà Xùa, đỉnh Lùng Cúng, đỉnh Khau Phạ, đỉnh Tà Chì Nhù, khu bảo tồn Nà Hẩu, khu bảo tồn Chế Tạo, bãi đá cổ La Pán Tẩn... cùng hàng chục con suối với những thác nước hùng vĩ, như thác Háng Đề Chơ, thác Mơ, thác Pú Nhu, thác Khe Cam, thác Khuổi Luông...
Tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhằm phát huy đồng thời giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn
Đến nay, tỉnh Yên Bái đã xây dựng hình thành và phát triển rõ nét 4 vùng du lịch trọng điểm (vùng du lịch hồ Thác Bà và sông Chảy; vùng du lịch thành phố Yên Bái và vùng phụ cận; vùng du lịch miền Tây (Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu và Mù Cang Chải) và vùng du lịch Trấn Yên - Văn Yên).
Bên cạnh nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, Yên Bái là vùng đất có lịch sử lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa; sự phong phú, đa dạng trong phong tục tập quán đa sắc màu của 30 dân tộc. Trong đó có 11 dân tộc còn giữ được những giá trị văn hóa đặc sắc, có thể trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh là: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Cao Lan, Giáy, Khơ Mú, Phù Lá, Mường. Mỗi tộc người, mỗi bản làng đều mang những sắc thái riêng, qua đó tạo nên sự đa dạng, độc đáo đặc biệt tại các lễ hội truyền thống.
Có thể kể đến như: Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xá Phó tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên; Lễ Tết nhảy của dân tộc Dao đỏ tại xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên; Lễ hội Xé then của dân tộc Thái tại thị xã Nghĩa Lộ; Lễ Cầu mưa của dân tộc Dao họ tại xã Đông An; Lễ hội đền Đông Cuông của dân tộc Tày tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; Lễ hội Hạn khuống của dân tộc Thái tại xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ; Lễ mừng cơm mới của dân tộc Mông, huyện Mù Cang Chải...
Trong tháng 9, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội đón chào du khách như Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Khai mạc Lễ hội Văn hóa du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Nghệ thuật Xòe Thái là một trong những nét văn hóa đặc trưng tạo nên bản sắc trong phát triển du lịch tại Yên Bái. Ảnh: Giang Huy
Cùng với đó, nhiều hoạt động du lịch, lễ hội diễn ra tại các địa phương trong tỉnh từ tháng 9 đến tháng 12 như: Lễ hội Quế huyện Văn Yên lần thứ IV; các hoạt động du lịch “Mùa nước đổ”; Festival Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội Cơm mới đền Đông Cuông và Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Đền Đông Cuông; Lễ hội bưởi Đại Minh và khám phá danh thắng quốc gia hồ Thác Bà; Chương trình du lịch “Về miền đất Ngọc” huyện Lục Yên lần thứ III; Lễ hội hoa Tớ dày…
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành nhằm hỗ trợ phát triển du lịch như Nghị quyết 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Tỉnh ủy giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh.
Đồng thời, tỉnh cũng tập trung xây dựng hệ thống các sản phẩm, loại hình du lịch đặc thù và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội, tạo thuận lợi trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Trong năm 2022, tỉnh Yên Bái xây dựng mới 5 sản phẩm du lịch cộng đồng, ra mắt 2 sản phẩm OCOP du lịch đạt tiêu chuẩn 3 - 4 sao. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch theo 4 vùng du lịch trọng điểm gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là văn hóa, ẩm thực của người dân bản địa, tạo thành chuỗi du lịch tìm hiểu, trải nghiệm giá trị văn hóa, lịch sử mang dấu ấn riêng.
Thông tin từ Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái, trong 8 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Yên Bái ước đón 1.046.025 lượt khách, bằng 95% kế hoạch năm, tăng 103,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 7.850 lượt khách, bằng 3,13% kế hoạch năm, doanh thu ước đạt 685,800 tỷ đồng, bằng 81,1% kế hoạch năm, tăng 152,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính riêng trong tháng 8/2022, khách du lịch đến Yên Bái ước đạt 117.770 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2.650 lượt, doanh thu ước đạt 80,6 tỷ đồng. Tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu năm 2022 sẽ đón và phục vụ trên 1,1 triệu lượt du khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt khoảng 845 tỷ đồng.
Yên Bái đang phát huy hiệu quả lợi thế về tài nguyên nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực.
Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra trong phục hồi và phát triển du lịch, UBND tỉnh Yên Bái đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành chức năng, các địa phương triển khai hiệu quả những nghị quyết, chương trình của tỉnh ủy về phát triển du lịch. Đồng thời, Yên Bái sẽ tiếp tục tạo môi trường du lịch thông thoáng để thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng nông thôn, vùng sâu có sản phẩm du lịch đặc thù, có tiềm năng phát triển du lịch.
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án về lĩnh vực du lịch, dịch vụ; Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; Xây dựng và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có, hình thành các sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương. Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện du lịch.
Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến, quảng bá du lịch, triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Yên Bái điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng”... Tăng cường các hoạt động liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh...
Đồng thời, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh trên cơ sở tiếp tục triển khai các nội dung đã được phê duyệt của Đề án đô thị thông minh tỉnh Yên Bái. Theo đó, tỉnh Yên Bái sẽ hỗ trợ nhà đầu tư, nhà quản lý sử dụng, khai thác dữ liệu trên nền tảng đô thị thông minh để phát triển, cung cấp các ứng dụng hỗ trợ phát triển du lịch và khách du lịch; tuyên truyền, quảng bá để người dân tham gia ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, bảo đảm mục tiêu phát triển du lịch bền vững…
Thu Giang
Bình luận