Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 16:11
Thứ năm, 12/05/2022 16:05
TMO - Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện khí và điện gió. Năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường đến biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Cà Mau là tỉnh duy nhất có 3 mặt tiếp giáp biển có hơn 250km chiều dài bờ biển, chiếm hơn 1/3 tổng chiều dài bờ biển toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, địa phương này còn có khu vực bãi bồi ven biển rộng lớn và có lợi thế để kêu gọi đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, cả năng lượng từ thuỷ triều, sóng biển.
Ngoài ra, tỉnh còn có hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa và hàng không cơ bản thuận lợi cho việc đầu tư các dự án kể cả điện mặt trời và điện khí. Điều này đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu và đề xuất thực hiện các dự án điện.
Với đường bờ biển dài cùng nhiều cửa biển và các hòn đảo xung quanh rất thuận lợi để xây dựng kho, cảng, đường ống dẫn khí, hệ thống kho nổi phát triển các dự án điện khí. Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung cấp khí cũng như phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về điện khí, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Công thương bổ sung 4 dự án điện khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) với tổng công suất 10.700 MW. Cụ thể, Dự án điện khí Cà Mau 3, điện khí Tân Thuận, Sông Đốc và điện khí LNG cùng hệ thống kho nổi.
Nhà máy điện khí Cà Mau 1 và Cà Mau 2
Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg năm 2017, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch kho cảng nhập khẩu LNG với công suất 1 triệu tấn/năm bắt đầu vận hành trong giai đoạn 2022-2025; sau năm 2025 vận hành với công suất 2 triệu tấn mỗi năm.
Theo báo cáo của Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương), hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có 3 dự án điện gió với tổng công suất 100MW chính thức đưa vào vận hành thương mại, góp phần bổ sung cho hệ thống điện sản lượng khoảng 225 triệu kWh/năm.
Vào cuối tháng 4, việc khánh thành và đưa vào vận hành Nhà máy điện gió Tân Thuận (xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi), với công suất 75MW là bước khởi đầu cho ngành điện gió tại tỉnh này. Đây là dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Cà Mau có ý nghĩa quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
18 trụ tuabin gió của Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận 75MW vừa mới được đưa vào vận hành
Việc phát triển ngành năng lượng sạch trên địa bàn được tỉnh Cà Mau thực hiện bằng các chương trình hành động, quyết định, chủ trương...Tính đến hết năm 2021, UBND tỉnh đã trình Bộ Công thương đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia tổng cộng 34 dự án, với tổng công suất 23.014 MW. Trong đó, có 21 dự án điện gió, 4 dự án điện khí và 9 dự án điện năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, còn 3 dự án nhà máy điện gió ngoài khơi với tổng công suất 2.550 MW đang hoàn thiện hồ sơ, đề xuất Bộ Công thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 11 dự án điện gió đang triển khai và trong tháng 10 vừa qua. Đồng thời, tỉnh cũng có tờ trình đề xuất Thủ tướng sớm xem xét, đồng ý cho triển khai 37 dự án phát triển năng lượng trong giai đoạn đến năm 2045 với tổng công suất trên 25.500 MW.
Việc phát triển năng lượng tái tạo ở Cà Mau không chỉ tạo việc làm cho người dân địa phương, tăng nguồn thu ngân sách mà còn giúp bảo vệ bờ biển trước tác động của biển đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Bích Ngọc
Bình luận