Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 15:01
Thứ tư, 29/05/2024 14:05
TMO - Tỉnh Sơn La xác định, phát triển du lịch nông nghiệp là một giải pháp động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.
Sơn La đang sở hữu những tài nguyên du lịch thiên nhiên và văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao... Đây là những tiềm năng lớn có thể tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, các du khách trong và ngoài nước. Bước đầu tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Du lịch cộng đồng, du lịch Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch thể thao…
Phát huy lợi thế từ các sườn đồi và thung lũng bằng phẳng, đồng bào Sơn La đã xây dựng nên nhiều trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, vườn chè… Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan.
Cùng với việc thăm quan các điểm đến hấp dẫn, du khách đến với Sơn La sẽ được cùng đồng bào tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp như: hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng, rượu ngô men lá...
Đặc biệt, các hộ làm du lịch cộng đồng được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Để tăng thêm thu nhập, đồng bào còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 30 điểm khai thác các hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng, mô hình trải nghiệm du lịch vườn sinh thái.
Tỉnh Mộc Châu đang khai thác hiệu quả lợi thế để thúc đẩy du lịch nông nghiệp nông thôn. Ảnh: VA.
Phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, huyện Mộc Châu đã tích cực vận động các công ty, doanh nghiệp, HTX và các hộ dân phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn trên cao nguyên.
Đến nay, Mộc Châu có 2.150 ha chè, trên 10.400 ha cây ăn quả các loại, hơn 3.000 ha rau màu... Toàn huyện đã có khoảng 80 ha nhà kính, nhà lưới; hơn 500 ha ứng dụng tưới tiết kiệm; hơn 350 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; giá trị sản xuất 1 ha đất nông nghiệp bình quân toàn huyện năm 2023 đạt 80,3 triệu đồng/ha/năm; tại các vùng ứng dụng công nghệ cao đạt 250 triệu đồng/ha. Huyện Mộc Châu khuyến khích, hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng các mô hình phục vụ phát triển du lịch, như: Tham quan trang trại trồng trọt, chăn nuôi; du lịch trải nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch cây ăn quả, cây rau màu...
Hằng năm, huyện đã và đang duy trì các hoạt động sự kiện lễ hội gắn với nông nghiệp, nhằm tôn vinh những hội viên nông dân và sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phục vụ nhu cầu của du khách với những trải nghiệm thú vị, như: Ngày hội hái quả mận hậu, Hội thi “Hoa hậu” bò sữa; Hội chợ thương mại hàng nông sản... Cùng với cây mận hậu, những đồi chè xanh ngát cũng là địa điểm được nhiều du khách lựa chọn. Cùng với việc khai thác búp chè, chính quyền và các doanh nghiệp chè ở Mộc Châu quan tâm kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái. Mộc Châu đã xây dựng quy hoạch để bảo tồn các khu đồng cỏ, đồi chè để phục vụ du lịch.
Tại huyện Sốp Cộp, địa phương này đã xây dựng Đề án “Phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phát triển du lịch phù hợp, nhằm phát huy tài nguyên du lịch, tiềm năng lợi thế của huyện.
Bản Mường Và có tài nguyên rừng khá phong phú, với độ che phủ khoảng 42%. Với dãy núi Pu Hong Lớk chạy dài sau bản, phù hợp phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, như: làm nương rẫy, đào măng, trồng cây ăn quả, du lịch cắm trại nghỉ dưỡng. Cánh đồng Tổng Na Coỏng Mương và dòng suối Nậm Ca bao quanh bản thích hợp với mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Ngoài ra, xã Mường Và có 121 ha cam, tập trung ở các bản Nà Mòn, Nà Một, Nghè Vèn, chủ yếu là giống cam địa phương và cam V2, có chất lượng quả thơm ngon.
Khai thác tiềm năng, lợi thế trên huyện Sốp Cộp đang đưa ra các giải pháp để phát triển sản phẩm du lịch, hướng cộng đồng vào các hoạt động du lịch gắn với phát triển sinh kế. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nổi bật riêng có của địa phương, thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch... góp phần thực hiện hiệu quả việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn trên địa bàn.
Tỉnh Sơn La phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo từ nguồn tài nguyên du lịch bản địa. Ảnh: SL.
Để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, tỉnh Sơn La đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. Từ đó sẽ tạo đòn bẩy cho du lịch của tỉnh trong định hướng chiến lược phát triển, trên cơ sở khai thác thế mạnh sản phẩm nông nghiệp của địa phương và hình những sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo và hấp dẫn; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho các cộng đồng địa phương, góp phần phục hồi và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, tri thức bản địa, sản phẩm địa phương.
Thời gian tới, tỉnh Sơn La tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/2022/NQ-HĐND ngày 31/8/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La nhằm triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La để khuyến khích, động viên và hỗ trợ thiết thực đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá về tài nguyên, tiềm năng, lợi thế du lịch, sản phẩm du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, sản vật địa phương, đảm bảo an ninh, an toàn trong các hoạt động du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo: Du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ trở thành phân khúc tăng trưởng mạnh thời gian tới; đến năm 2030, lượng khách tham gia vào loại hình này trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, với doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hằng năm 10-30%, trong khi các loại hình du lịch truyền thống chỉ tăng trưởng trung bình 4%/năm.
Thời gian qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có sự phát triển mạnh mẽ, nhiều mô hình du lịch canh nông đã hình thành ở nhiều địa phương, phát huy hiệu quả, trở thành điểm đến thu hút sự quan tâm của du khách, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Tháng 2/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, bên cạnh 11 nội dung thành phần, có thêm 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu. Đặc biệt, lần đầu tiên đưa du lịch nông thôn trở thành một Chương trình để chỉ đạo thực hiện đồng bộ, mang tính hệ thống trên địa bàn cả nước gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây được xem là những định hướng cụ thể để các địa phương xây dựng kế hoạch đánh thức tiềm năng du lịch canh nông tại địa phương.
Để phát huy thế mạnh của từng địa phương, tăng cường công tác quản lý du lịch nông nghiệp nông thôn cũng như nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và các chủ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát công tác quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao vai trò công tác quản lý ở địa phương, nâng cao năng lực các chủ thể làm du lịch canh nông và đề xuất các giải pháp phù hợp cần triển khai trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp đang hướng đến đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác triệt để thế mạnh, sự đặc sắc riêng vùng miền tại các làng du lịch (văn hóa bản địa, đặc sắc làng nghề, sản phẩm OCOP), thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Tháng 8/2022, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đẩy mạnh du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Ðể thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng cần đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn vào tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia trên cơ sở đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương, khuyến nghị các mô hình phù hợp và có các chính sách hỗ trợ đồng bộ (như: tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực, hỗ trợ truyền thông quảng bá…) ở quy mô quốc gia. Bên cạnh đó, tính liên kết giữa chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn với các nhà đầu tư, công ty lữ hành cần được phát huy trên cơ sở hài hòa lợi ích để tạo những tour, tuyến, sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Lê Tuấn
Bình luận