Hotline: 0941068156

Thứ bảy, 23/11/2024 22:11

Tin nóng

Từ năm 2025 áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải xe cơ giới nhập khẩu

25 giải sẽ được trao trong Lễ công bố, trao giải Cuộc thi viết về Cây Di sản Việt Nam năm 2024

Việt Nam chia sẻ 3 bài học trong xóa đói giảm nghèo tại G20

Ứng Hoà (Hà Nội): Hai cây cổ thụ được công nhận Cây Di sản Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị G20

COP29: ‘Tài chính khí hậu là an ninh toàn cầu, không phải đi làm từ thiện’

COP29: Việt Nam ủng hộ quan điểm cần đảm bảo mục tiêu tài chính khí hậu

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7,0-7,5%

Tăng trưởng GDP Việt Nam có thể cao nhất khu vực ASEAN +3

Bão giật cấp 17 có thể suy yếu khi gần bờ

Theo dõi chặt chẽ, triển khai các biện pháp ứng phó bão Yinxing

Tiểu vùng Mekong mở rộng: Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột

Bão giật cấp 17 sắp vào Biển Đông

Trong 10 tháng, thiên tai gây thiệt hại trên 78 nghìn tỷ đồng

Việt Nam – UAE: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, văn hóa xã hội

Quảng Nam: Bão số 6 áp sát gây mưa lớn, gió giật cấp 10

Cảnh báo nguy cơ mưa lớn khu vực miền Trung do bão Trà Mi

Quảng Ngãi: Cấm biển từ 10h ngày hôm nay ứng phó bão Trà Mi

Theo dõi sát diễn biến của bão Trà Mi

Phấn đấu tăng trưởng GDP giai đoạn 2026-2030 bình quân khoảng 7,5-8,5%

Thứ bảy, 23/11/2024

Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh, giảm khí thải

Thứ năm, 16/11/2023 16:11

TMO - Giao thông vận tải là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế-xã hội của nước ta. Tuy nhiên, với nhiều loại hình giao thông trong quá trình lưu thông, vận chuyển đã sử dụng nhiên liệu và thải ra lượng khí thải rất lớn.

Giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Vương quốc Anh) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050. Cam kết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển dịch từ nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, chống biến đổi khí hậu.

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Theo thống kê, một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí là phát thải từ hoạt động của các loại phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hiện nay, để cải thiện tình trạng này xu hướng chung của các quốc gia phát triển hiện nay là hạn chế, tiến tới dừng hoạt động của phương tiện sử dụng xăng và dầu diesel. Theo đó, các chính sách ưu tiên phát triển, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông vận tải, hệ thống vận tải công cộng thân thiện môi trường (xe buýt CNG/điện, taxi điện, đường sắt đô thị...). Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, trước nguy cơ ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác cảng biển, Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam được Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng từ tháng 1/2019 và đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các doanh nghiệp cảng biển triển khai thực hiện.

"Xanh hóa" cảng biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng được triển khai nhằm giảm phát thải từ hoạt động vận chuyển này. 

"Cảng xanh" tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính (tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng contianer) với thang điểm cụ thể, gồm: nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa là 5 điểm); sử dụng tài nguyên (điểm tối đa là 15 điểm); quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa là 50 điểm); sử dụng năng lượng (điểm tối đa là 15 điểm); ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa là 5 điểm); giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa là 10 điểm). Để được xem xét công nhận cảng xanh, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm). Doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh cho việc thực hiện từng tiêu chí".

Trên thực tế, Việt Nam hiện đã có cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP.HCM là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Đây cũng là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam quy mô 160ha bãi, 2.040m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến đứng trong TOP 21 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới. Cảng xanh này tập trung vào các tiêu chí như: tiết kiệm nguồn tài nguyên; chất lượng môi trường cảng; sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0…

Những tiêu chí đó được cụ thể hóa thông qua các hoạt động là thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 Teus (thay thế được khoảng 2.000 ô tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút; triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000-50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông.

Bên cạnh đó, thời gian qua các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM nỗ lực “xanh hóa” xe buýt. Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2025, tất cả xe buýt thay thế, đầu tư mới phải là xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Giai đoạn đến năm 2050, tất cả xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành giao thông vận tải. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện là địa phương có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt CNG và buýt điện; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.

Hiện tại, Hà Nội có 2.034 xe buýt được trợ giá, với 277 xe sử dụng năng lượng sạch (gồm 139 xe CNG và 138 xe buýt điện, đạt 13,6% toàn mạng). Trong đó, trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên. Tuy nhiên, vẫn có 1.757 xe buýt đang sử dụng nhiên liệu diesel cần có lộ trình thay thế sang sử dụng nhiên liệu năng lượng sạch. Số lượng phương tiện cũ, đạt tiêu chuẩn khí thải thấp đang còn tương đối lớn khi số xe buýt trên 5 năm chiếm tỉ lệ 39% và đạt dưới chuẩn Euro IV chiếm 44,5%.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội đang xây dựng lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng năng lượng xanh. Theo đó lộ trình được xây dựng theo hai giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2025-2030, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 157 xe/năm ; giai đoạn 2 từ năm 2031-2035, số lượng xe được chuyển đổi trung bình đạt 162 xe/năm. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus, thành phố sẽ rà soát và hoàn thiện hệ thống định mức, đơn giá cho các loại hình xe bus (lớn, trung bình và nhỏ) sử dụng điện, năng lượng xanh để tổ chức đấu thầu/đặt hàng cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe bus.

Với hệ thống xe bus diesel đang cung cấp dịch vụ theo hợp đồng thầu, thành phố sẽ xem xét cơ chế chính sách kéo dài thời gian sử dụng phương tiện đến hết thời gian thực hiện hợp đồng đối với những phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) và thực hiện giảm trừ đơn giá khấu hao từ thời điểm hết hạn khấu hao đến thời điểm hết hạn thực hiện hợp đồng thầu.

Hà Nội, TP.HCM triển khai kế hoạch chuyển đổi phương tiện năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe bus (Ảnh minh họa). 

Trong khi đó, TP.HCM hiện có gần 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ các khu vực khác di chuyển vào thành phố. Kết quả của các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy, hoạt động giao thông hiện đang là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất trên địa bàn thành phố. TP.HCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn các-bon/năm, trong đó, ngành công nghiệp chịu trách nhiệm khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Theo Sở GTVT thành phố, TP.HCM hiện đang triển khai Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu từ năm 2025 trở đi, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh với tỉ lệ vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố đạt 25%. Từ năm 2030, tỉ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Thành phố đã đưa vào vận hành 77 xe buýt điện hoạt động tại 5 trên tổng số 128 tuyến. Ngoài ra còn có thêm 500 xe buýt chạy bằng CNG.

Trước đó, tại Diễn đàn cấp cao giao thông bền vững toàn cầu năm 2023 tại Trung Quốc vào cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định: Việt Nam coi phát triển GTVT bền vững với môi trường là một ưu tiên tập trung, đẩy mạnh tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, giảm chi phí logistics, đã và đang tích cực triển khai các chương trình, công ước của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) với mục tiêu chung tay thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị các nước tăng cường hợp tác trong xây dựng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế chung về giao thông bền vững toàn cầu; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ liên quan đến chuyển đổi năng lượng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải. Đây là một lĩnh vực tương đối mới đối với các nước đang phát triển và cần kinh nghiệm, hỗ trợ của các nước phát triển trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này.

 

 

Lê Hồng 

 

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

Bình luận

    Bình luận của bạn

    cmt
      Web đang chạy kỹ thuật
      Zalo phone Hotline