Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Chủ nhật, 26/02/2023 06:02
TMO - Bên cạnh lợi thế về văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan, Hà Nội có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững để hạn chế tính tự phát, nâng cao chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê. Ngoài ra, một số điểm được du khách biết đến nhiều như Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm Bát Tràng, làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), hồ Đồng Đò, núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)...Đây là điều kiện thuận lợi để ngành du lịch thành phố khai thác thúc đẩy phát triển.
Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, qua kết quả thẩm định xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, Hà Nội có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hiện toàn thành phố đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên cơ sở đề nghị của các huyện, thị xã đến nay văn phòng đã tổ chức đoàn thẩm định được 40 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022; đồng thời đã tiến hành thẩm định 12 xã đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Kết quả 12 xã đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND TP Hà Nội công nhận. Đây là cơ sở để lựa chọn để lựa chọn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.
TP Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian tới.
Mặc dù sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, tuy nhiên hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chất lượng chưa cao. Du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội chủ yếu vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp. Liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, chưa phát huy được lợi thế của một quốc gia nông nghiệp.
Theo các chuyên gia về du lịch và nông nghiệp, Hà Nội muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng xanh và bền vững, trước hết cần đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội đặc thù, quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện tại. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch này cần gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, các đại biểu đề xuất tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương.
Thành phố cần thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao.
Đẩy mạnh tính liên kết vùng để phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Thực hiện một số chính sách nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân để phát triển du lịch nông nghiệp của từng vùng đặc biệt là các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác đồng thời giá trị nông nghiệp và phát triển du lịch; sử dụng lao động là người địa phương; các hoạt động du lịch có tính chất cộng đồng; các dự án sản xuất hàng hóa và dịch vụ của khu vực nông thôn vào tiêu dùng du lịch.
Phát triển nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp. Cần đổi mới và xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp trên cơ sở giá trị đặc trưng, nổi bật của từng địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Chú trọng công tác điều phối và quản lý điểm đến nhằm phát triển du lịch nông nghiệp bền vững. Cần xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP vào tiêu dùng du lịch.
Sở Du lịch thành phố đang xây dựng tiêu chí đánh giá phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững. Đây cũng là cơ sở để định hướng phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng chú trọng giảm thiểu các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với môi trường, xã hội, kinh tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của các điểm du lịch.
Đề xuất các tiêu chí phát triển du lịch nông nghiệp, các chuyên gia nhấn mạnh, du lịch nông nghiệp nông thôn cần được xây dựng gồm tài nguyên du lịch, chính sách và quản lý điểm du lịch, sản phẩm và dịch vụ du lịch, hạ tầng cơ sở, kết quả kinh doanh du lịch, sự tham gia của cộng đồng địa phương. Phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững là tạo môi trường du lịch mà ở đó có sự thân thiện, an toàn giữa người dân và du khách. Khai thác du lịch nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên, môi trường sinh thái.
Đối với phát triển du lịch nông thôn, tiêu chí phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững tập trung vào việc đánh giá giá trị tài nguyên phát triển, quy hoạch và lập kế hoạch phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển sản phẩm và dịch vụ, phát triển các cơ sở kinh doanh du lịch nông thôn, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường…Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể cải thiện đời sống kinh tế, xã hội cho khu vực nông thôn, giúp người dân gắn bó với quê hương, nâng cao ý thức xây dựng môi trường, cảnh quan, bảo tồn bản sắc văn hóa nông thôn.
PV
Bình luận