Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 01:01
Thứ bảy, 13/05/2023 12:05
TMO - Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp mang lại lợi ích cho cả sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân ở các vùng nông thôn. Loại hình du lịch này không chỉ góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra cho các mặt hàng nông sản, mà còn trực tiếp hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, những năm trở lại đây du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp mới hình thành và phát triển, bước đầu đã góp phần đa dạng hóa, làm phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm kinh tế - xã hội, khám phá vẻ đẹp của quê hương – con người – văn hóa Đồng Tháp. Với lợi thế về sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản... cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng, tỉnh Đồng Tháp sở hữu tiềm năng lớn hướng đến mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
Năm 2016, loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp bắt đầu phát triển. Thời điểm ban đầu là phát triển tự phát, 05 hộ dân trồng sen ở huyện Tháp Mười tiên phong khai thác loại hình du lịch trải nghiệm chèo xuồng ngắm cảnh đồng sen, câu cá, thưởng thức ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen. Tiếp đến, các hộ dân vườn cam, quýt ở huyện Lai Vung đã mạnh dạn mở cửa vườn đón khách du lịch đến tham quan.
Đồng Tháp đang khai thác những lợi thế nông nghiệp tạo đột phá trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: NK.
Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 65 điểm tham quan du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan, trải nghiệm khá hiệu quả. Trong đó, có 8 homestay, 2 farmstay, 55 điểm tham quan du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp trải nghiệm làng nghề. Giai đoạn 2016 - 2022, các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 4,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 519 tỷ đồng. Hiện tại, các huyện, thành phố tỉnh Đồng Tháp tập trung phát triển du lịch nông nghiệp gồm: Tháp Mười, Tam Nông, Lai Vung, TP Cao Lãnh, Sa Đéc, Hồng Ngự, Thanh Bình, Lấp Vò, Châu Thành…
Trong đó, tại huyện Tháp Mười, nhiều hộ dân đang khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Khu Đồng Sen với các dịch vụ như: bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh lưu niệm, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản phẩm được chế tác từ sen... Huyện Lai Vung đang phát triển hiệu quả các mô hình du lịch nông nghiệp tham quan vườn cây ăn trái như: trải nghiệm vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận... Vùng trồng hoa kiểng Sa Đéc (thành phố Sa Đéc) đã phát triển 18 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp; trong đó có 12 điểm đang khai thác hiệu quả...
Mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quảng bá vùng đất, con người Đồng Tháp. Đồng thời, mô hình này tạo điều kiện hỗ trợ các điểm du lịch mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, đóng góp từ 5-6% GRDP cho tỉnh.
Để phát triển du lịch nông nghiệp và giúp nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Đồng Tháp cần đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, kết nối và xây dựng các tour tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao như: sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề, du lịch văn hóa lịch sử (Đình làng – Nhà cổ) kết hợp Lễ hội, du lịch ẩm thực Sen - sự kiện/MICE kết hợp mua sắm, du lịch chính quyền, du lịch số, du lịch chăm sóc sức khỏe.
Tỉnh Đồng Tháp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP. Ảnh: BĐT
Đồng thời chú trọng phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour – tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp, khu di tích, điểm du lịch, làng nghề thủ công truyền thống,… đặc biệt các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ Sen, đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng đất Sen hồng. Tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả, để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến và thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian tới, địa phương tập trung chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng đổi mới, nâng tầm giá trị sản phẩm du lịch để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh nhiều hơn. Tỉnh phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour, tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng.
Tùng Nguyễn
Bình luận