Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 18:01
Thứ bảy, 24/09/2022 05:09
TMO - Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch, thực hiện Đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, địa phương phấn đấu trở thành một trong những trung tâm du lịch - văn hóa lớn của cả nước.
Bắc Ninh là vùng đất phát triển từ rất sớm, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa lớn gắn với những dấu ấn thiêng liêng trong lịch sử dân tộc. Bắc Ninh là vùng đất khai mở của Thủy tổ của dân tộc (Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ), chốn tổ đình Phật giáo Việt Nam và là trung tâm Hán học sớm nhất của nước ta (vùng Dâu - Luy Lâu), nơi phát tích vương triều nhà Lý - triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt...
Toàn tỉnh hiện có 1.589 di tích trong đó có 643 di tích được xếp hạng gồm 4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 204 di tích xếp hạng quốc gia, 435 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, hồ sơ "Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" đã được gửi UNESCO để đệ trình vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh phát huy hiệu quả giá trị văn hóa trong thúc đẩy du lịch trên địa bàn
Bắc Ninh đang có 4 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh là: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Nghi lễ và trò chơi kéo co; thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; có 8 di sản đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 62 làng nghề thủ công truyền thống; hơn 500 lễ hội và phong phú các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như: tuồng, chèo, rối nước, ca trù, hát trống quân...
Thực hiện cam kết với UNESCO, Bắc Ninh đã triển khai thực hiện nhiều đề án, dự án, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, nhất là Dân ca Quan họ Bắc Ninh với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Nhằm phát huy lợi thế nổi trội về tài nguyên du lịch văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 định hướng ưu tiên phát triển du lịch và khẳng định “Bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; tập trung các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia tiêu biểu, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Ca trù, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, các làng nghề truyền thống tiêu biểu… gắn với phát triển du lịch”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa và các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư phát triển hình thành các sản phẩm du lịch, có 14 điểm di tích được công nhận điểm du lịch. Một số hoạt động biểu diễn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được tổ chức hướng đến khách du lịch như chương trình hát Quan họ trên thuyền định kỳ, biểu diễn hát Quan họ hàng tuần tại Nhà hát Dân ca Quan họ; Câu lạc bộ Quan họ khu Diềm tổ chức canh hát gắn với phục vụ ẩm thực Quan họ truyền thống.
Tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 4 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Phật Tích, Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý; tăng cường đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch cho tỉnh Bắc Ninh; ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án cho bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, di tích khảo cổ chùa Dạm và các di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đang bị xuống cấp...
Lễ hội truyền thống Đền Đô thu hút đông đảo du khách, là nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống tại tỉnh Bắc Ninh
Nhằm phát huy hiệu quả tài nguyên văn hóa trong phát triển du lịch, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt tổng vốn đầu tư đề án “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2025 định hướng đến năm 2030” là 4.103 tỷ đồng.Trong đó vốn ngân sách là 355 tỷ đồng, vốn xã hội hóa cần huy động là 3.748 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bắc Ninh phân kỳ đầu tư các dự án ưu tiên làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2022-2025, tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.163 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 206 tỉ đồng. Vốn xã hội hóa cần huy động là 957 tỷ đồng. Giai đoạn thứ 2 từ 2026-2030, tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.940 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 148 tỉ đồng. Vốn xã hội hóa cần huy động là 2.792 tỷ đồng.
Đề án ưu tiên triển khai 4 dự án: Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (dự kiến 235,4 tỷ đồng). Dự án phát triển du lịch trên sông Đuống và sông Cầu (dự kiến 3.600 tỷ đồng). Dự án phát triển du lịch cộng đồng làng Quan Họ Viêm Xá, Khu Diềm, thành phố Bắc Ninh (dự kiến 165 tỷ đồng).Dự án chương trình trọng điểm quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025 (dự kiến 41,7 tỷ đồng).
Với đề án này, tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỉnh sẽ đón và phục vụ từ 2 - 2,5 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt khoảng 2.000 tỷ đồng. Có trên 20 ngàn lao động trong ngành du lịch, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Lựa chọn ưu tiên phát triển từ 3-5 sản phẩm du lịch từ giá trị di sản văn hóa nổi trội để phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh. Phát triển cơ sở hạ tầng như nâng cấp, chỉnh trang hạ tầng điểm du lịch và các tuyến giao thông kết nối các di sản văn hóa tiêu biểu. Hoàn thành số hóa các di sản văn hóa tiêu biểu.
Đến năm 2030, tỉnh sẽ đón và phục vụ trên 5 triệu lượt khách du lịch. Tổng thu du lịch đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Có trên 25 ngàn lao động trong ngành du lịch, trong đó tỉ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85%. Phát triển thêm từ 3-5 sản phẩm du lịch để đa dạng hóa sản phẩm du lịch văn hóa. Phát triển đồng bộ các dịch vụ, sản phẩm du lịch văn hóa, các tiện ích du lịch, ứng dụng công nghệ số, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoàn thiện hệ thống tuyến, điểm du lịch; ít nhất có 2 khu du lịch cấp tỉnh; đầu tư phát triển từ 1-2 mô hình du lịch cộng đồng từ các làng Quan họ, làng nghề truyền thống, nông nghiệp, nông thôn. Hoàn thành cơ sở dữ liệu văn hóa của tỉnh. Phát triển được từ 1-2 sản phẩm du lịch ảo, du lịch 3D.
Hồng Thảo
Bình luận