Hotline: 0941068156
Thứ tư, 22/01/2025 16:01
Thứ ba, 16/04/2024 13:04
TMO - Xác định rõ tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm đầu tư, hoàn thiện cơ sở dịch vụ logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiện Bình Dương là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với 29 khu công nghiệp 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đáng chú ý, trong nhiều năm liên tục, Bình Dương đứng ở vị trí thứ 3 trên cả nước về hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Qua đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng.
Chỉ tính riêng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của thủ phủ công nghiệp Bình Dương là hơn 56,5 tỷ USD và 3 tháng đầu năm 2024 là 13,4 tỷ USD. Những năm qua, Bình Dương tận dụng tốt lợi thế về vị trí địa lý, đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển dịch vụ logistics.
Cảng Bình Dương với hạ tầng logistics được đầu tư, thuận lợi cho doanh nghiệp giao thương hàng hóa. Ảnh: BBD.
Hiện nay, hệ thống trung tâm logistics, phương tiện vận chuyển của Bình Dương liên tục được nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới về quy mô lẫn chất lượng dịch vụ. Theo đó, hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu lưu trữ, trung chuyển phục vụ thương mại nội địa, xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ.
Đến nay, Bình Dương đã hình thành hệ thống giao thông đường bộ hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, bao gồm cả hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ cấp quốc gia và hạ tầng giao thông đường bộ cấp tỉnh, như: Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, các phân đoạn chính thuộc tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 đi qua địa bàn, tuyến đường kết nối với tỉnh Tây Ninh, ĐT741 kết nối tỉnh Bình Dương với tỉnh Bình Phước, Quốc lộ 13, cầu Bạch Đằng 2… Các công trình này đã và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, Bình Dương đã hình thành được chuỗi liên kết dịch vụ logistics cấp vùng với hệ thống hạ tầng gồm 15 trung tâm logistics quy mô lớn, trong đó có 3 ICD và 1 ga đường sắt quốc tế phục vụ xuất - nhập khẩu hàng hóa; hình thành 10 cảng sông, 21 kho hàng, 19 kho ngoại quan, 2 kho CFS đang hoạt động phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp và thực hiện chức năng phân phối hàng hóa đến các tỉnh, thành trong khu vực và xuất khẩu. Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Bình Dương, quý I năm 2024, riêng hệ thống logistics đã tăng khoảng 25% do thị trường xuất khẩu hàng hóa ấm dần lên.
Ngành logistics trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần được tháo gỡ để nâng cao chất lượng hoạt động. Ảnh: NT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành logistics của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế chưa được khơi thông để phát triển, số lượng các đơn vị đủ khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ logistics chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, như: Chuỗi dịch vụ logistics, e-logistics chưa nhiều và chưa hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp và đô thị. Nhiều doanh nghiệp chỉ cung cấp được dịch vụ mức 1, mức 2, số lượng trung tâm lớn cung cấp được dịch vụ mức 3, 4,5 còn hạn chế. Cùng với đó, bài toán về hạ tầng giao thông, giải quyết tình trạng tắc đường, kẹt xe... vẫn chưa được xử lý hiệu quả.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dự thảo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bình Dương đã đặt ra mục tiêu, định hướng phát triển ngành logistics sẽ trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng chính của toàn ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh; đến năm 2050 phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của toàn vùng và khu vực phía Nam, liên kết trực diện ra quốc tế với 5 nền tảng giá trị cơ bản, gồm: Hệ thống kho bãi đa dạng và sẵn sàng cho các loại hàng hóa khác nhau từ ngành công nghiệp và thương mại điện tử.
Hạ tầng giao thông đa phương tiện, kết nối xuyên suốt đến các tỉnh, thành và các cảng hàng không, cảng biển trong khu vực. Vận chuyển nhanh chóng và linh hoạt với các loại phương tiện vận chuyển đa dạng, dành cho các loại mặt hàng khác nhau. Tự động hóa và số hóa quy trình thông qua việc ứng dụng công nghệ mạng lưới “vạn vật kết nối”, AI trong vận hành và quản lý quy trình luân chuyển hàng hóa, kiểm soát lộ trình. Hệ thống giám sát thông minh trong quá trình vận chuyển.
Với mục tiêu và định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics ở trên, Bình Dương rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ, ngành có liên quan và nhất là ý kiến đóng góp của các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh lĩnh vực logistics trong và ngoài tỉnh, kinh nghiệm hữu ích, quý báu cùng những sáng kiến, giải pháp ưu việt, phù hợp giúp giải quyết vấn đề và áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả. Qua đó giúp Bình Dương xây dựng các kế hoạch, giải pháp cụ thể nhằm phát triển ngành logistics một cách hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh, sớm hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics xuyên biên giới, hiện đại với các dịch vụ chất lượng cao.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, để tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế chung của tỉnh cũng như gia tăng lợi thế trong thu hút đầu tư trong giai đoạn mới: Bình Dương xác định phát triển nhanh hệ thống hạ tầng dịch vụ logistics là yêu cầu cấp bách cho sự phát triển kinh tế bền vững trong tương lai... Trong đó, tập trung xây dựng trung tâm logistics xuyên biên giới (thành phố Mới Bình Dương) kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, xác định ga Sóng Thần là trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vận quốc tế của cả miền Nam (vận chuyển đường sắt), kết nối với các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) - Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông thương với các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước.
Hiện Bình Dương quy hoạch, bố trí quỹ đất ở những vị trí thuận lợi về giao thông để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng, khu vực… Bên cạnh đó, Bình Dương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xúc tiến thương mại dịch vụ logistics...Bình Dương cũng hỗ trợ, bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics một cách thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp, giúp ngành dịch vụ logistics thành trụ cột tăng trưởng chính của ngành thương mại - dịch vụ và sớm đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang dịch vụ chất lượng cao.
Ngọc Thanh
Bình luận