Hotline: 0941068156
Thứ hai, 21/07/2025 11:07
Thứ bảy, 19/07/2025 18:07
TMO - Để tiếp cận được thị trường Halal (Hồi giáo), các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đặc biệt là chứng nhận Halal và các rào cản kỹ thuật liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, và chuỗi cung ứng.
Với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường tiềm năng cho các nước sản xuất lương thực thực phẩm, trong đó có Việt Nam.
Tiềm năng mở rộng xuất khẩu Halal của Việt Nam càng được thể hiện rõ hơn khi Việt Nam đã nằm trong top 20 nước xuất khẩu thực phẩm hàng đầu thế giới và là 1 trong 15 nước xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới; đồng thời, là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, khu vực và liên khu vực đã được ký kết...
Vừa qua, tại Hội thảo “Thị trường Halal tại khu vực GCC và Nam Á – Cơ hội và Thách thức cho Doanh nghiệp”, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài - Bộ Công Thương cho biết, thị trường Halal toàn cầu hiện có quy mô lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi năm, với lượng người tiêu dùng tiềm năng chiếm gần 25% dân số thế giới, chủ yếu tập trung tại các quốc gia Hồi giáo như Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Pakistan, Bangladesh…
Tuy nhiên trong xu hướng đa dạng hóa thị trường, nhu cầu tiếp cận, mở rộng các thị trường mới như Halal cho doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết, đặc biệt là chứng nhận Halal và các rào cản kỹ thuật liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, chuỗi cung ứng.
Nhiều thông tin về thị trường các nước Hồi giáo được đưa ra tại Hội thảo “Thị trường Halal tại khu vực GCC và Nam Á – Cơ hội và Thách thức cho Doanh nghiệp”.
Thông tin về thị trường Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông Trương Xuân Trung - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại UAE chia sẻ, UAE là quốc gia hàng đầu thế giới về chỉ số Hồi giáo toàn cầu trong nhiều lĩnh vực. Ngành công nghiệp thực phẩm Halal của UAE có trị giá 19 tỷ USD để tiêu thụ trong nước hoặc tái xuất.
UAE là thị trường mở và phụ thuộc vào nhập khẩu để phục vụ nhu cầu trong nước và tái xuất khẩu. Dân số Hồi giáo tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm thực phẩm Halal tại UAE. Để tiếp cận được thị trường này, doanh nghiệp Việt cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đặc biệt là chứng nhận Halal và các rào cản kỹ thuật liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng, và chuỗi cung ứng.
Từ tháng 10/2024, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) được ký kết trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE đang phát triển mạnh mẽ. Bà Nguyễn Minh Phương (Trưởng phòng Tây Á – châu Phi Vụ Phát triển thị trường nước ngoài - Bộ Công Thương), giới thiệu tổng quan Hiệp định CEPA các mặt hàng được giảm thuế, lộ trình giảm thuế, yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa vân vân;
Quy mô thị trường và xu hướng tiêu dùng sản phẩm Halal tại thị trường GCC; Quy định nhập khẩu, kiểm dịch, tiêu chuẩn kỹ thuật …Trong đó, bà Phương cho rằng, 95% người tiêu dùng thị trường GCC sử dụng sản phẩm Halal. Do đó, khi xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý về mức thu nhập bình quan đầu người của các nước để có những sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp. Các nước Hồi giáo chủ yếu xuất khẩu dầu mỏ, trong khi nền nông nghiệp không cần phát triển, chủ yếu nhập khẩu từ các nước trên thế giới. Chính vì thế, tiềm năng cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam từ thị trường rất lớn. Các doanh nghiệp nếu đáp ưng được các yêu cầu sẽ được hưởng mức thuế suất 0%.
Tuy hàng hóa Việt Nam rất phong phú và đa dạng nhưng để đảm bảo thiết kế bao bì, nhãn mác đáp ứng yêu cầu của thị trường khó tính tại khu vực Trung Đông thì còn nhiều điều phải làm. Thực chất không có một tiêu chuẩn thống nhất toàn khu vực. Mỗi nước có cơ quan chứng nhận riêng: GSO, ESMA, SFDA… Do vậy câc doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ, kiểm định của từng thị trường.
Theo các chuyên gia, mặc dù là thị trường lớn, tiềm năng, thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông, thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Việc sở hữu chứng nhận Halal không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là điều kiện bắt buộc khi xuất khẩu vào nhiều thị trường Halal.
Trong đó, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý: Đảm bảo thiết kế bao bì, nhãn mác không gây hiểu nhầm với sản phẩm bị cấm (Haram); xây dựng hồ sơ nguyên liệu minh bạch, tránh sử dụng phụ gia gây tranh cãi; thường xuyên cập nhật danh sách các tổ chức chứng nhận Halal được công nhận tại từng quốc gia để đáp ứng đúng quy định xuất khẩu.../.
Dư Trọng Tín
Bình luận