Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 26/07/2025 08:07
Thứ năm, 24/07/2025 19:07
TMO - Giữa bối cảnh kinh tế Việt Nam đạt được những dấu ấn rạng rỡ, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,31% – mức cao nhất kể từ năm 2008 – cùng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vượt 21,5 tỷ USD, thành phố Hải Phòng nổi bật như một cực tăng trưởng năng động.
Với khát vọng vươn lên thành đầu tàu kinh tế của đất nước, Hải Phòng đang đặt ra mục tiêu đầy thách thức: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2025 ở mức cao, từ 12,35% trở lên. Đây là mục tiêu đã được Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định tại Hội nghị Thành ủy lần thứ hai vừa qua.
Điều này thể hiện quyết tâm bứt phá, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có, đồng thời định hình mô hình phát triển kinh tế xanh, bền vững và thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao.
Kiên định mục tiêu phát triển và định hướng chiến lược
Trong thập kỷ qua, Hải Phòng đã duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức hai con số liên tục, củng cố vững chắc vị thế là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của cả nước. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của Hải Phòng (sau hợp nhất) đạt 209.668 tỷ đồng, tăng 11,2%, đứng thứ 2 cả nước Cụ thể, khu vực Hải Phòng (trước hợp nhất) ghi nhận tăng 11,04% và tỉnh Hải Dương (trước hợp nhất) tăng 11,59%, tạo tiền đề đặc biệt thuận lợi sau quá trình sáp nhập. Tổng thu ngân sách của Hải Phòng (mới) trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 100.994 tỷ đồng, bằng 68,5% dự toán năm Trung ương giao, 61,2% dự toán phấn đấu, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Ô tô nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng.
Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 12,35% trong năm 2025, tại Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ hai, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh, thành phố cần nhanh chóng chuyển sang trạng thái phát triển ổn định, dồn toàn lực cho các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2025 và những năm tiếp theo.
Trong đó, ba mục tiêu cốt lõi cần ưu tiên: Tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, qua đó tạo nền tảng vững chắc cho Đại hội XVII Đảng bộ thành phố và Đại hội XIV của Đảng; nhanh chóng kiện toàn và ổn định tổ chức bộ máy chính quyền các cấp theo mô hình mới, đảm bảo hoạt động thông suốt, kỷ cương và kỷ luật; đồng thời duy trì đà tăng trưởng kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Bí thư Thành uỷ yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố khẩn trương hoàn tất kế hoạch triển khai Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; hoàn thiện đề án thành lập khu thương mại tự do thế hệ mới và Khu kinh tế chuyên biệt để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bí thư Lê Tiến Châu nhấn mạnh: Toàn bộ hệ thống chính trị thành phố tập trung cao độ, huy động tối đa mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ các rào cản, và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đã đề ra. Bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 12,35%, góp phần duy trì vai trò đầu tàu phát triển ở phía Bắc của đất nước. UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất cơ chế khoán thu ngân sách cho các địa phương, tạo thêm động lực để nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Khu Thương mại Tự do thế hệ mới – Động lực tăng trưởng xanh
Hải Phòng đã xác định bốn đột phá chiến lược nhằm phát triển dựa trên các trụ cột khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bao trùm: Phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam: Với quy mô khoảng 20.000 ha, khu vực này được định hướng trở thành khu kinh tế xanh, thông minh, đa ngành, hoạt động theo mô hình kinh tế số - tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững.
Xây dựng Khu thương mại tự do thế hệ mới: Với hệ thống thể chế vượt trội, khu vực này dự kiến sẽ mang lại các cơ chế, chính sách đột phá, có tính cạnh tranh cao so với khu vực và thế giới. FTZ sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế mới, tập trung thu hút các ngành công nghệ cao, tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, dịch vụ hiện đại, và các trung tâm nghiên cứu & phát triển (R&D). Đồng thời, đây sẽ là một trung tâm logistics trọng điểm, nút giao quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, củng cố khả năng kết nối vùng và quốc tế cho khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Kiến tạo thể chế phát triển hiện đại, thông thoáng, cởi mở: Tập trung triển khai nhanh chóng và hiệu quả Nghị quyết 226 của Quốc hội về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công nghiệp, cảng biển, logistics và đổi mới sáng tạo. Đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao: Xây dựng hệ sinh thái giáo dục - y tế - dịch vụ - nhà ở đồng bộ, tạo môi trường sống lý tưởng để các chuyên gia, trí thức và người lao động giỏi đến Hải Phòng gắn bó và cống hiến lâu dài.
Thành phố cũng chủ động phối hợp với các nhà đầu tư khu, cụm công nghiệp, cảng biển mới để xác định tiến độ và trách nhiệm, phấn đấu khởi công các dự án trong năm 2025. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, nâng cao năng suất và khuyến khích đổi mới sáng tạo sẽ được đẩy mạnh.
Lĩnh vực mũi nhọn và dấu ấn đầu tư
Hải Phòng tập trung vào ba trụ cột kinh tế chính: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics và du lịch – thương mại. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ lực, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hải Phòng (cũ) tăng 15,2% trong 6 tháng đầu năm 2025. Kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng (cũ) đạt 17,6 tỷ USD, và lượng khách du lịch đạt hơn 5,2 triệu lượt.
Hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ với đủ 5 loại hình (đường bộ, biển, không, sắt, thủy nội địa) là lợi thế vượt trội, đưa thành phố trở thành trung tâm logistics cấp vùng và quốc tế, đặc biệt với định hướng phát triển "tứ trụ chiến lược" - đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không. Việc triển khai 5G tại các cảng Tân Vũ, Đình Vũ để thí điểm xây dựng cảng thông minh và mạng 5G dùng riêng cho nhà máy thông minh đầu tiên tại công ty Pegatron (Khu công nghiệp DEEP C II) thể hiện sự tiên phong của Hải Phòng trong chuyển đổi số gắn liền với kinh tế cảng biển.
Cầu Hoàng Gia do Tập đoàn Vingroup đầu tư nối trung tâm thành phố với đảo Vũ Yên mới được thông xe.
Về thu hút FDI, 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI thu hút của thành phố Hải Phòng (sau hợp nhất) đạt hơn 1.293 triệu USD; trong đó cấp mới 119 dự án với số vốn 671,5 triệu USD (67 dự án trong KCN với số vốn 635,6 triệu USD; 52 dự án ngoài KCN với số vốn 84,4 triệu USD); điều chỉnh tăng vốn cho 91 lượt dự án với số vốn 606,7 triệu USD 905 triệu USD, trong đó Hải Phòng (trước hợp nhất) thu hút 711,66 triệu USD và Hải Dương (trước hợp nhất) thu hút 194,7 triệu USD. Tính đến nay, thành phố Hải Phòng (sau hợp nhất) đã thu hút gần 50 tỷ USD vốn FDI, khẳng định vị thế tốp đầu trong thu hút FDI của cả nước.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định, Hải Phòng đang dẫn đầu cả nước về khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, hậu cần logistics, và năng lượng tái tạo. Hàng loạt tập đoàn hàng đầu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore đã lựa chọn nơi đây làm điểm đến chiến lược của họ.
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hải Phòng 2025 trong khuôn khổ ABAC 3 đã chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 dự án và ký kết 07 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn đăng ký và cam kết lên tới 15,6 tỷ USD. Các dự án trọng điểm bao gồm phát triển hạ tầng khu công nghiệp (Tân Trào, Ngũ Phúc, Thủy Nguyên, Trấn Dương – Hòa Bình, Sân bay Tiên Lãng, Bình Giang, Hoàng Diệu, Kim Thành 2) với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD, cùng dự án các bến số 9, 10, 11, 12 cảng Lạch Huyện với vốn đầu tư gần 1 tỷ USD.
Những dự án này sẽ góp phần hình thành tổ hợp công nghiệp công nghệ cao, hiện đại và nâng cao năng lực thông quan, khẳng định vị thế trung tâm logistics của khu vực. Các dự án FDI về công nghệ cao như Shin-Etsu và các Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư phát triển giao thông, đô thị với tổng số vốn gần 5 tỷ USD cũng mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng hơn giữa thành phố Hải Phòng với các đối tác chiến lược, đặc biệt chú trọng giải pháp đô thị thông minh và hạ tầng xanh, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu.
Môi trường đầu tư hấp dẫn và cam kết hành động
Trong năm 2024, Hải Phòng tự hào dẫn đầu cả nước về 4 chỉ số uy tín: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là minh chứng rõ nét cho một môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và hiệu quả. Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, khẳng định: Hải Phòng tự hào là Thành phố Anh hùng, Năng động và Hội nhập. Việc đăng cai Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC năm 2025 cùng các sự kiện liên quan là vinh dự lớn, thể hiện tầm vóc quốc tế của thành phố.
Triển lãm giới thiệu tiềm năng kinh tế - xã hội Hải Phòng tại ABAC III.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hải Phòng 2025, Chủ tịch UBND thành phố Lê Ngọc Châu tái khẳng định: Thành phố Hải Phòng cam kết xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ tận tâm nhất cho mọi hoạt động của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông chiến lược, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, và luôn lấy sự thuận tiện, hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công vụ, đảm bảo Hải Phòng thực sự là người bạn đồng hành tin cậy của các nhà đầu tư từ nay về sau.
Với những chiến lược rõ ràng, cam kết mạnh mẽ và thành công bước đầu ấn tượng, Hải Phòng đang khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược, an toàn và hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và khu vực. Thành phố Cảng sẵn sàng bứt phá để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước./.
Trọng Nhân
Bình luận