Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ năm, 19/10/2023 07:10
TMO - Các nhà khoa học đề xuất phát triển công nghệ chế biến đất hiếm với các nguyên tố có giá trị cao như Pr, Nd, đồng thời xây dựng trung tâm chuyển giao làm chủ công nghệ lõi.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao như: Thông tin-viễn thông, y tế, năng lượng, giao thông-vận tải, quân sự… Mặc dù giá trị giao dịch của đất hiếm trên thế giới hiện nay chỉ dưới 10 tỷ USD một năm nhưng đây lại là nguyên liệu chiến lược, không thể thay thế đối với nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển.
Theo các báo cáo đánh giá, trữ lượng đất hiếm của Việt Nam khoảng 22 triệu tấn, (chiếm 19% trữ lượng thế giới), đứng thứ hai sau Trung Quốc (38%). Các mỏ ở Việt Nam có quy mô từ trung bình đến lớn chủ yếu phân bố ở các tỉnh Tây Bắc như: Lào Cai, Yến Bái và Lai Châu. Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch khoáng sản), trong đó định hướng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải có dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các (ô -xit hydroxit, muối) đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản xuất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.
Việt Nam cần đẩy mạnh công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm hợp lý, bền vững (Ảnh minh họa).
Dù đã thăm dò, đánh giá trữ lượng từ hơn 40 năm nay, đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác và chế biến được mỏ đất hiếm nào. Cùng với nguyên nhân về thị trường tiêu thụ, một trong những nguyên nhân chính là chúng ta chưa có công nghệ khai thác, chế biến đất hiếm, mà đây lại là lĩnh vực các nước giữ độc quyền, không chuyển giao công nghệ.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%, chưa thể chế biến được các sản phẩm thủy luyện và chiết tách các ô-xít đất hiếm riêng rẽ phục vụ nhu cầu trong và ngoài nước. Trong khi đó, giai đoạn khai thác và chế biến quặng tinh không mang lại hiệu quả kinh tế cao, sử dụng hóa chất chiết độc hại, gây ô nhiễm môi trường.
Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, những nghiên cứu định hướng khai thác chế biến, ứng dụng khoáng sản đất hiếm đã được Nhà nước đầu tư qua các chương trình KH&CN và từ các chương trình của Viện Hàn lâm và đã đạt được những kết quả khả quan như: Chế tạo nam châm đất hiếm NdFeB; công nghệ chế tạo vật liệu súc tác xử lý khí thải từ lò chất thải y tế; ứng dụng chế tạo các máy phát thủy điện nhỏ công suất 200 W, 500W và 1.000 W lắp đặt ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hoàng Su Phì ( Hà Giang); chế tạo máy tuyển (70 máy) cho các cơ sở công nghiệp; ứng dụng công nghệ tuyển, dây chuyền tuyển, sấy tro bay phục vụ công trình trọng điểm quốc gia thủy điện Sơn La.. hay ứng dụng sản xuất sản phẩm phân bón sử dụng trong các cây trồng chủ lực như: Lúa, cà phê, hồ tiêu, đậu tương… cho năng suất cao Tuy nhiên, hiện nay, ngành công nghệ đất hiếm vẫn chưa phát triển như mong muốn, nguyên nhân do đầu tư cho KH&CN vào lĩnh vực này chưa đủ tầm và không tập trung.
Do vậy, thời gian tới, Nhà nước cần đặc biệt chú trọng đến chế biến đất hiếm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; phân chia, làm sạch các oxit đất hiếm riêng rẽ phục vụ nghiên cứu và sản xuất, góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường; chế biến sâu một số nguyên tố đất hiếm phục vụ chiến lược chuyển đổi năng lượng, giao thông không phát thải... Cũng theo các nhà khoa học, cần triển khai xây dựng các dự án và phòng thí nghiệm nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến, đánh giá tác động môi trường, xử lý hoàn nguyên môi trường sau khai thác và chế biến sâu đất hiếm ở Việt Nam...
Viện Công nghệ Xạ hiếm kiến nghị xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến quặng đất hiếm, hoàn thiện công nghệ quy mô sản xuất nhỏ, cũng như cập nhật công nghệ mới. Xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao nhằm làm chủ phát triển công nghệ lõi trong việc chế biến quặng đất hiếm.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng cần có nghiên cứu làm rõ thêm về trữ lượng và thành phần các nguyên tố đất hiếm trong các mỏ; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ khai thác, chế biến sâu đất hiếm, phải tạo ra thị trường, thúc đẩy quá trình nghiên cứu khai thác hiệu quả, bền vững. Thời gian tới kỳ vọng Việt Nam sẽ chủ động được công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và chế biến sâu đất hiếm phục vụ nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu, đảm bảo môi trường.
Minh Hà
Bình luận