Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 09:11
Thứ tư, 25/10/2023 14:10
TMO - Tại Bến Tre, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm dừa được chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu.
Chuỗi giá trị dừa được hình thành từ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5-8-2016 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện CGT sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị của tỉnh trên 23.700ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230.000 tấn/tổng sản lượng dừa của toàn tỉnh là 688.000 tấn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, từ việc hình thành chuỗi giá trị dừa, tỉnh hiện có nhiều mô hình liên kết, tổ chức hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành và ngày càng phát triển. Có 32 tổ hợp tác (THT) và 30 hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết, tổ chức sản xuất, với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.
Đặc biệt, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên hàng năm. Đến nay, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 18.000 ha; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 11.630 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật và EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Các sản phẩm dừa của Bến Tre hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Trung Đông... với hơn 90 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Riêng đối với dừa uống nước, toàn tỉnh hiện có trên 15.000 ha và diện tích dừa uống nước ngày càng tăng lên, bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Dây chuyền chế biến nước dừa đóng lon tại Bến Tre. Ảnh: HH
Hiện tại, Bến Tre đã có hơn 5 doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Nhật, Singapore, Australia, Canada… Hiện nay, có 20 doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc; trong đó, có 13 cơ sở đóng gói, 35 vùng trồng với 2.343 ha đã nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.
Là một trong những địa phương trồng dừa lớn nhất tỉnh, huyện Giồng Trôm đã thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trịdừa. Toàn huyện có hơn 40% diện tích trồng dừa đã liên kết chuỗi giá trịvà theo hướng hữu cơ, với hơn 30% đã được chứng nhận. Huyện có 6 doanh nghiệp thực hiện liên kết, chứng nhận hữu cơ và thu mua. Huyện cũng đã thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung tại xã Châu Bình, Phước Long, với nhiều hoạt động hỗ trợ nông hộ kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn dừa.
Để nâng cao chuỗi giá trị dừa, huyện Giồng Trôm đề xuất, với vai trò là đầu tàu trong chuỗi liên kết, các doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, cũng như có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, THT tại địa phương tham gia liên kết, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi, tạo sự đồng thuận, thống nhất giữa các tác nhân và xây dựng chuỗi ngày càng lớn mạnh, bền vững.
Tỉnh Bến Tre đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững bằng cách phát triển chuỗi giá trị cây dừa nhằm tăng lợi nhuận, thu nhập cho nông dân.
Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, việc sản xuất và liên kết tiêu thụ của ngành dừa vẫn còn những khó khăn nhất định như: quy mô liên kết, năng suất còn thấp, việc liên kết giữa HTX và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, năng lực tổ chức sản xuất và sơ chế tại cơ sở còn hạn chế, tiêu chuẩn thị trường thế giới ngày càng cao… Đó là những thách thức của ngành sản xuất và chế biến dừa hiện nay. Tỉnh xác định việc xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng liên kết vùng với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long, nhằm phát triển cây dừa một cách bền vững và hiệu quả.
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành dừa tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm như quy trình canh tác; việc tổ chức thu mua, sơ chế thông qua liên kết THT, HTX cung ứng dừa cho doanh nghiệp; việc đầu tư thiết bị, dây chuyền chế biến và tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp; sự hỗ trợ về kỹ thuật trong hệ thống quản lý nông nghiệp cùng với các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về cây dừa đều hướng đến mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dừa an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 78 nghìn ha. Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu dừa bền vững bằng cách phát triển chuỗi giá trị cây dừa nhằm tăng lợi nhuận, thu nhập cho nông dân. Năm 2021, Tỉnh ủy Bến Tre ban hành Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, đạt hiệu quả khá cao. Từ nền tảng liên kết theo chuỗi và vùng nguyên liệu dừa đạt chứng nhận hữu cơ, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư những thiết bị máy móc hiện đại đã có hầu hết những chứng nhận quốc tế để lưu thông trên thị trường thế giới.
Tỉnh Bến Tre xác định, xây dựng vùng sản xuất dừa tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị dừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tỉnh đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất hữu cơ, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng...
Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ cho người trồng dừa để vận dụng vào thực tiễn sản xuất. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, hợp tác xã dừa trên địa bàn bảo đảm hoạt động đúng thực chất, có hiệu quả. Từ đó, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ giúp tăng thu nhập cho người trồng dừa và bảo đảm nguồn nguyên chất lượng cao đạt chuẩn hữu cơ gắn sơ chế và tiêu thụ sản phẩm.
Minh Thu
Bình luận