Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 08:11
Thứ ba, 25/07/2023 13:07
TMO - Nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã phát triển liên kết sản xuất, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, làm gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên vào HTX, tạo động lực thúc đẩy kinh tế nông thôn.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, toàn thành phố có 321 HTX và 1.480 tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở các ngành nghề, lĩnh vực; tổng vốn điều lệ 736,310 tỷ đồng, tăng 6,212 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Lĩnh vực nông nghiệp, các HTX sản xuất lúa tiếp tục thực hiện tốt các khâu dịch vụ hỗ trợ như tưới tiêu, gieo sạ, phun phân thuốc bằng máy bay không người lái, thu hoạch, cung cấp giống, tổ chức chuyển giao quy trình kỹ thuật… cho các hộ thành viên và tạo được sự liên kết giữa các hộ thành viên với nhau. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, các HTX chế biến, thu mua nông sản hoạt động có hiệu quả, mở rộng sản xuất kinh doanh, có hợp đồng chặt chẽ với các doanh nghiệp, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và các HTX.
Phát huy thế mạnh ngành nông nghiệp của địa phương, thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới, nhằm tạo dựng chuỗi liên kết quy mô, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên HTX. Thành phố Cần Thơ đã xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới với vốn điều lệ khá cao (từ 2-7 tỷ đồng) và có tổng diện tích sản xuất từ 500-1.000 ha, phát triển liên kết sản xuất, gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực.
Hoạt động của các HTX được các ngành chức năng địa phương hỗ trợ tham gia dự án, liên kết doanh nghiệp xuất khẩu, nghiên cứu khoa học công nghệ. Ảnh: KQ.
Để hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nhà vườn, năm 2017, HTX vườn cây ăn Trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền đã vận động 34 nhà vườn bắt tay hợp tác cùng nhau trồng các loại sầu riêng, vú sữa... theo quy trình VietGAP; đồng thời HTX còn tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chức năng huyện và thành phố, liên kết với doanh nghiệp thu mua tổ chức dịch vụ đầu vào và đầu ra đúng thời vụ cho nhà vườn. Nhờ đó, HTX không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, mà còn làm tăng giá trị nông sản, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho mỗi hộ thành viên, với gần 100 triệu đồng/năm.
Nhờ được ngành chức năng thành phố hỗ trợ tham gia dự án, liên kết doanh nghiệp xuất khẩu, nên nhiều năm qua HTX đã mạnh dạn đầu tư trồng vú sữa và sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời tổ chức tốt việc cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên như cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong quy trình sản xuất, cải tạo đất để nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo an toàn cho trái cây sau thu hoạch. Cùng với đó, HTX còn xây dựng kho để bảo quản thuốc bảo vệ thực vật chung cho các thành viên, quản lý phân bón an toàn cho người lao động; tổ chức tiêu thụ nông sản sau thu hoạch cho thành viên, thông qua các hợp đồng liên kết giữa HTX với doanh nghiệp.
Tại HTX trồng nhãn Thới Trinh ở phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, đã xây dựng mạng lưới kết nối cho 60 thành viên HTX và cả trăm nhà vườn trồng nhãn ở phường Thới An, quận Ô Môn, nhằm điều tiết hơn 465ha nhãn được thu hoạch luân phiên. Qua đó, vừa đáp ứng sản lượng trái cây theo yêu cầu cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ trong và ngoài thành phố, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nhà vườn có hợp tác làm ăn với HTX.
Ước tính, với diện tích canh tác trên 1ha nhãn Ido, nhà vườn thu hoạch đạt từ 20 tấn/ha, bán với giá từ 20.000-30.000đồng/kg, tùy thời điểm, nhà vườn thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Với sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ của quận Ô Môn, đã giúp cho các thành viên HTX Thới Trinh duy trì quy trình trồng nhãn đạt chuẩn VietGAP trong nhiều năm liền. Hiện nhãn hay ổi Ruby của thành viên trong HTX Thới Trinh thu hoạch tới đâu đều được thương lái tới vườn thu mua tới đó, với giá cả khá ổn định. Không chỉ vậy, HTX còn có khả năng cung ứng gần 1.000 tấn trái cây/năm cho các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh trái cây sạch trong và ngoài thành phố…
Hoạt động sản xuất tại các HTX góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.
Nhằm hạn chế rủi ro với nghề nuôi cá đối với các hộ sản xuất trên địa bàn, năm 2010, 12 hộ nuôi cá tra ở xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh cùng nhau hợp tác thành lập HTX nuôi cá tra, với diện tích mặt nước gần 20ha, để tiến tới ký kết hợp đồng, liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài thành phố. Sau 10 năm hoạt động, HTX Thắng Lợi không chỉ tăng số lượng thành viên lên 44 hộ, mà còn mở rộng quy mô hoạt động, diện tích ao nuôi lên 30ha, năng lực cung ứng từ 6.000-8.000 tấn cá tra/năm; giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động trong và ngoài huyện Vĩnh Thạnh, thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng.
Để phát huy vai trò cầu nối hỗ trợ cho HTX phát triển ổn định và bền vững, Liên minh Hợp tác xã thành phó Cần Thơ tập trung làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ và hướng dẫn HTX ở các quận, huyện đăng ký nhãn hiệu tập thể hay mã vùng trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP; hỗ trợ HTX ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra cho thành viên HTX. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu cho các HTX với các hệ thống siêu thị bán lẻ lớn và các doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các HTX tham gia "Hội chợ Xúc tiến thương mại cho khu vực kinh tế tập thể, HTX" do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức vào tháng 10-2023…
Giai đoạn 2023-2025, thành phố Cần Thơ đặt mục tiêu 100% các hợp tác xã nông nghiệp hiện hữu được phổ biến, bồi dưỡng và cập nhật các kiến thức về tác động của biến đổi khí hậu. Từ đó có các giải pháp phù hợp nhằm thích ứng và nâng cao năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản.
Để có nguồn kinh phí hỗ trợ cho các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, UBND thành phố Cần Thơ giao cho các sở, ban, ngành liên quan tập trung lồng ghép mọi nguồn lực tài chính từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, hỗ trợ xây dựng từ 3-5 mô hình hợp tác xã nông nghiệp đạt chuẩn áp dụng đầy đủ các biện pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; chuyển đổi từ mô hình hợp tác xã truyền thống sang sản xuất tuần hoàn. Từ đó nhân rộng ra các hợp tác xã nông nghiệp khác trên toàn thành phố.
UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành lồng ghép chính sách hỗ trợ từ các chương trình có sẵn, như: Chương trình “Hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Cần Thơ giai đoạn 2021-2025”; Dự án Các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh TP. Cần Thơ”… UBND thành phố cũng yêu cầu mở rộng cho vay vốn đối với các hợp tác xã nông nghiệp theo các quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP nhằm tạo cơ hội để các HTX nông nghiệp có cơ hội phát triển bền vững.
Tính đến hết tháng 12/2022, cả nước có 19.431 HTX nông nghiệp, chiếm khoảng 67% tổng số HTX trong các lĩnh vực, thu hút gần 3,8 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là các hộ nông dân. Các HTX nông nghiệp từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; là tiền đề quan trọng thúc đẩy hình thành các tổ hợp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản quy mô vừa và nhỏ tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Ngoài ra, nhiều HTX nông nghiệp đã tham gia cung ứng các dịch vụ ở khu vực nông thôn như: bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm y tế, du lịch sinh thái, tín dụng nội bộ, quản lý chợ, vệ sinh môi trường, nước sạch và nhiều dịch vụ khác, với mục tiêu đem lại lợi ích tối đa cho thành viên, cộng đồng.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP về phát triển hợp tác xã nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; mở rộng quy mô, thu hút nông dân, người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp tham gia, đưa HTX nông nghiệp trở thành mô hình kinh tế - xã hội quan trọng ở khu vực nông thôn.
PV
Bình luận