Hotline: 0941068156
Thứ năm, 21/11/2024 19:11
Thứ tư, 03/08/2022 13:08
TMO - Quảng Nam là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp và làng nghề. Thời gian qua, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả các lợi thế, địa phương này đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển bền vững.
Với diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn (trên 115,5 nghìn hecta đất nông nghiệp; 726,5 nghìn hecta đất lâm nghiệp) và hệ sinh thái đa dạng trong đó, có nhiều loại quý hiếm như cây dược liệu, hương liệu, các loại cây bản địa có giá trị khác. Cùng với nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang được khôi phục, tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng trong đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp và làng nghề.
Tại Quảng Nam, thành phố Hội An là địa phương đang tập trung du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp và dịch vụ ở vùng nông thôn. Đến nay, Hội An đã xây dựng được 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gồm rau hữu cơ Cẩm Thanh, rau VietGap Trà Quế, nông nghiệp hữu cơ Cẩm Kim, khai thác - tiêu thụ một số sản phẩm đặc trưng Cù Lao Chàm và nông nghiệp hữu cơ Thanh Tây (phường Cẩm Châu) gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản hữu cơ ở các xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Làng rau Trà Quế trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch trong phát triển du lịch nông thôn tại TP Hội An. Ảnh: Thanh Chung
Du lịch nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn được xây dựng và phát triển tại các huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Nam với các chương trình tham quan, tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số; du khách đến tham quan cùng tham gia biểu diễn văn nghệ với người dân tộc thiểu số, xem trình diễn âm nhạc truyền thống, thưởng thức ẩm thực, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Đây là những sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, mang đến nét độc đáo mới cho cho du lịch tỉnh. Các điểm đến như: Quần thể Pơ mu có trên 1.200 cây; làng du lịch Pơning (huyện Tây Giang), làng du lịch Bhohoong (huyện Đông Giang), làng du lịch cộng đồng Cơ-tu (huyện Nam Giang)…là những điểm đến đang khai thác hiệu quả tiềm năng nông nghiệp trong phát triển du lịch.
Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam có 4 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận. Trong đó, có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; 4 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và 15 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, đan lát, cơ khí nhỏ…. Các làng nghề không những tạo việc làm ổn định cho người dân mà còn tạo động lực trong phát triển du lịch tại các địa phương.
Quảng Nam vừa qua đã tổ chức thành công Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 trong 4 ngày (19-22/5)
Quảng Nam được biết đến với các làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Dệt Mã Châu, Đông Yên, Thi Lai, làng chiếu cói Bàn Thạch; làng đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn); làng mộc Kim Bồng (Hội An); Nước mắm Cửa Khe; bên cạnh nghề đan lát, nghề làm gốm và dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam. Thời gian qua, tại tỉnh Quảng Nam đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm nghề truyền thống như các tour trải nghiệm đan lát, kỹ thuật mộc, đúc đồng, dệt thổ cẩm, trải nghiệm nghề làm gốm…
Nhằm phát huy tiềm năng về nông nghiệp, làng nghề trong phát triển du lịch nông thôn, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng, tổ chức các hoạt động phát triển du lịch nông thôn; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025: Có trên 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và trên 95% số xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa; Lựa chọn và xây dựng 4 - 5 mô hình điểm Làng văn hóa du lịch, Điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới của từng vùng, đi vào hoạt động hiệu quả.
Các làng du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả tiềm năng về nông nghiệp và làng nghề trong thu hút du khách
Hàng năm, xây dựng 2 - 3 mô hình điểm về xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp; Có ít nhất 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hoá và ít nhất 04 xã nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển du lịch và 1 huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển cảnh quan môi trường nông thôn gắn với phát triển du lịch.
Nhằm phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 922/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, việc phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Một trong các nhiệm vụ của Chương trình là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.
Ngoài ra, Chương trình tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi…); đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao và bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.
Minh Tiến
Bình luận