Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 17:01
Thứ hai, 25/07/2022 16:07
TMO - Sóc Trăng được biết đến với nét văn hóa đặc sắc giao thoa giữa 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa; có nhiều lễ hội, công trình kiến trúc độc đáo và những cù lao trù phú với những vườn cây ăn quả cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp địa phương này phát triển du lịch từ các sản phẩm đặc trưng.
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển nằm ở phía nam sông Hậu, có bờ biển dài 72 km với ba cửa sông lớn đổ ra biển là: Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt với các cù lao lớn, nhỏ nối tiếp nhau dài hơn 50 km dọc theo bờ sông Hậu. Khai thác lợi thế từ các cù lao trên, tỉnh Sóc Trăng đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch: sinh thái, sông nước miệt vườn, trải nghiệm - khám phá và du lịch cộng đồng
Hiện nay, tỉnh đã hình thành 3 cụm du lịch cộng đồng. Trong đó, Cụm du lịch cộng đồng ấp Phương An 3 thuộc địa bàn xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú gắn liền với không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ dọc tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ tại homestay chợ nổi Ngã Năm như tham quan nghề làm bánh phồng, sản xuất nước ép trái cây; tham quan vườn cây ăn trái; chống xuồng di chuyên để thả lưới và giở những chiếc lợp, lờ...
Chợ nổi Ngã Năm trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch tại Sóc Trăng. Ảnh: Thành pt
Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách gắn liền với loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao đậm chất Tây Nam Bộ. Trong các dãy cù lao dọc theo sông Hậu, có cồn Mỹ Phước là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách thích khám phá thiên nhiên và môi trường, cồn Mỹ Phước nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa.
Cụm du lịch cộng đồng thuộc huyện cù Lao Dung gắn liền với loại hình du lịch xanh khám phá thiên nhiên, lịch sử. Đây là điểm đến của những vườn cây ăn trái trĩu quả, những rẫy mía, những vuông tôm, những rừng bần bạt ngàn trên dải cù lao rộng hơn 23.000ha. Đồng thời, Cù Lao Dung còn có nhiều công trình gắn với sự kiện di tích lịch sử - văn hóa loại hình di tích lịch sử cách mạng: đền thờ Bác Hồ, bia chiến thắng Rạch Già, sự tích cây dương đỏ, đình thần Nguyễn Trung Trực, chùa Tân Giác, phủ thờ An Cơ...
Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 ngôi chùa, cơ sở thờ tự tôn giáo, trong đó có nhiều ngôi chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh (tỉnh có 39 di tích cấp tỉnh và 8 di tích cấp quốc gia), nhiều di tích là điểm tham quan du lịch như chùa Mahatup (chùa Dơi), Bửu Sơn Tự (chùa Đất Sét), chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), chùa Kh'leang, Khu căn cứ Tỉnh ủy rừng tràm Mỹ Phước...
Sóc Trăng sở hữu những ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo, là điều kiện để phát triển du lịch văn hóa-tâm linh. Ảnh: THMK
Đề cập đến phát triển du lịch Sóc Trăng với những sản phẩm đặc sắc, đậm nét văn hóa, UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện nay địa phương còn có 8 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của thế giới và quốc gia.
Đó là nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ (cùng với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ); lễ hội Nghinh Ông ở huyện Trần Đề; nghề thủ công truyền thống làm bánh pía của người Hoa ở huyện Châu Thành; nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc Ngũ âm; múa Rô băm, múa Rom vong; nghệ thuật Dù Kê; lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer.
Về lễ hội, Sóc Trăng có những lễ hội mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển như Lễ hội cúng Phước Biển, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội Cúng Dừa, Ngày hội sông nước miệt vườn. Đặc biệt Sóc Trăng được du khách biết đến với Lễ hội Oóc om bóc - Đua ghe ngo của đồng bào Khmer được tổ chức vào ngày 15-10 (âm lịch) hàng năm, thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm.
Lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng thu hút đông đảo người dân và khách du lịch Ảnh: Thanh Phong
Hướng đến mục tiêu đưa du lịch vào vị thế kinh tế mũi nhọn, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh; hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030.
Trong thời gian tới, Sóc Trăng định hướng phát triển 10 sản phẩm chủ lực gồm: du lịch văn hóa tâm linh thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa lễ hội-ẩm thực thành phố Sóc Trăng; du lịch văn hóa tín ngưỡng Giếng Tiên huyện Châu Thành; du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước, huyện Kế Sách; du lịch sinh thái biển Cù lao Dung.
Du lịch sinh thái biển Hồ Bể Vĩnh Châu; điểm du lịch Tân Huê Viên Châu Thành; du lịch sinh thái rừng tràm kết hợp văn hóa về nguồn tại Khu căn cứ Tỉnh ủy huyện Mỹ Tú; du lịch văn hóa thương hồ chợ nổi Ngã Năm; du lịch sinh thái biển Mỏ Ó, huyện Trần Đề.
Đồng thời, tỉnh phát triển 6 sản phẩm du lịch bổ sung gồm: du lịch cộng đồng cồn Phong Nẫm, huyện Kế Sách; du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Phú Tân và xã Phú Tâm, huyện Châu Thành; du lịch sinh thái, tâm linh vườn cò Sáu Xom, huyện Mỹ Xuyên; du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã An Thạnh I và An Thạnh Tây, huyện Cù lao Dung; du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn Mỹ Xuyên-Trần Đề; du lịch điện gió Vĩnh Châu-Trần Đề-Cù Lao Dung.
Tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trong đó chú trọng tới du lịch sinh thái sông nước, cộng đồng
Từ các sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương, Sóc Trăng khai thác tiềm năng du lịch thông qua tuyến tàu cao tốc Trần Đề-Côn Đảo; tour du lịch sông nước tuyến Cần Thơ-Kế Sách-Long Phú-Cù lao Dung-Trần Đề-Vĩnh Châu; thành phố Sóc Trăng-Kế Sách-Trần Đề-Cù lao Dung; tour thành phố Sóc Trăng-Chùa Chén Kiểu-Vườn cò Sáu Xom (huyện Mỹ Xuyên)- chợ nổi (thị xã Ngã Năm).
Địa phương tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong phát triển du lịch và tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các công ty lữ hành để phát triển tour-tuyến du lịch; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh.
Thời gian tới, Sóc Trăng tăng cường công tác xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch của từng địa phương, đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển các tour, tuyến du lịch với các địa phương trong và ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đưa du lịch của tỉnh phát triển nhanh, mạnh hơn, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.
Bùi Thuận
Bình luận