Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 22:11
Chủ nhật, 24/09/2023 12:09
TMO - Trước sự gia tăng của các nguồn thải, tỉnh Yên Bái triển khai các phương án phân vùng môi trường với những giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Theo Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường việc phân vùng môi trường theo vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng khác được thực hiện theo tiêu chí về yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật.
Quy hoạch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025 vừa được Chính phủ thông qua nhấn mạnh đến định hướng bảo vệ môi trường theo phân vùng. Theo đó, địa phương này sẽ triển khai các giải pháp nhằm ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường, bảo vệ và giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng; đồng thời, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về môi trường. Bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và môi trường; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì và phát triển một số khu sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt trên địa bàn tỉnh là nội thành, nội thị của các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị, bao gồm: Khu vực nội thành của thành phố Yên Bái (đô thị loại III, quy hoạch trong kỳ là đô thị loại II) và khu vực nội thị của thị xã Nghĩa Lộ (xác lập vùng bảo vệ nghiêm ngặt tại thời điểm được công nhận đô thị loại III trong kỳ quy hoạch). Phạm vi, ranh giới, diện tích của vùng nội thành của thành phố Yên Bái và nội thị của thị xã Nghĩa Lộ được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền, phù hợp với sự phát triển, hình thành đô thị trên địa bàn tỉnh trong kỳ quy hoạch.
Nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Đối với sông, suối, kênh, rạch (nước chảy): phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt (đồng thời là vùng bảo vệ nghiêm ngặt) không nhỏ hơn 1.000 m về phía thượng lưu và 100m về phía hạ lưu kể từ vị trí khai thác nước sinh hoạt; Đối với hồ chứa: phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt (đồng thời là vùng bảo vệ nghiêm ngặt) không nhỏ hơn 1.500 m tính từ vị trí khai thác nước sinh hoạt và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, lâm nghiệp và thủy sản: bao gồm Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải với diện tích 19.952,5 ha trên địa bàn của các xã: Chế Tạo, Lao Chải, Dế Xu Phình, Púng Luông, Nậm Khắt thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; và Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với diện tích 16.040,15 ha (đến 2030 giảm còn 11.273,5ha) trên địa bàn các xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng và xã Phong Dụ Thượng. Trong quá trình thực hiện ranh giới, diện tích vùng bảo vệ môi trường nghiêm ngặt nằm trong phạm vi khu bảo tồn loài – sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan được xác định, điều chỉnh phù hợp với chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của tỉnh Yên Bái.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử-văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; vùng lõi của di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường: Bao gồm 125 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng và phân cấp quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 2 khu vực diện tích lớn nhất là danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải (với diện tích khu vực bảo vệ I được xác định là 660,1577ha, trên địa bàn 6 xã) và di tích lịch sử cấp quốc gia Hồ Thác Bà được khoanh vùng bảo vệ di tích là 230 km.
Đối với vùng hạn chế phát thải là vùng đệm của các vùng bảo vệ nghiêm ngặt Ngoại thành, ngoại thị của đô thị loại II, III: Bao gồm toàn bộ các xã thuộc thành phố Yên Bái và các xã của thị xã Nghĩa Lộ (tính từ thời điểm Nghĩa Lộ được công nhận đô thị loại III). Phạm vi, ranh giới của vùng ngoại thành, ngoại thị được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển, hình thành đô thị trên địa bàn trong từng thời kỳ.
Vùng đệm của Khu bảo tồn: tại thời điểm lập phương án nay chưa có căn cứ xác lập vùng đệm của các khu bảo tồn. Căn cứ Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức việc xác lập vùng đệm theo quy định tại Thông tư số 10/2014/TT-BNNPTNT làm căn cứ xác định vùng hạn chế phát thải. Vùng đệm của khu bảo vệ 1 của di tích lịch sử - văn hóa, vùng đệm của di sản thiên nhiên; trong đó đối với Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải là khu vực bảo vệ II với diện tích 192,4494ha, trên địa bàn 6 xã; Đối với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Thác Bà theo hồ sơ di tích không có khu vực được xác định là vùng đệm. Căn cứ vào từng giai đoạn của việc hình thành, công nhận di tích, danh lam thắng cảnh thì ranh giới, phạm vi của vùng đệm của các khu vực này (nếu có) được xác định cụ thể vào thời điểm công nhận.
Vùng hạn chế phát thải là toàn bộ diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh đã được xác định trong nội dung quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng (đến 2030 là 136.000ha theo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia và quy hoạch sử dụng đất). Vùng hạn chế phát thải là hành lang bảo vệ nguồn nước mặt được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước: Không nhỏ hơn 20 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung hoặc được quy hoạch xây dựng đô thị, khu dân cư tập trung; Không nhỏ hơn 15 m tính từ mép bờ đối với đoạn sông, suối, kênh, rạch không chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung. Đối với nguồn cấp nước là hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa ở các khu vực khác, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không nhỏ hơn 10 m tính từ mép bờ.
Vùng hạn chế phát thải là toàn bộ diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.
Vùng hạn chế phát thải là các khu dân cư tập trung nằm trong ranh giới quy hoạch là khu vực nội thành, nội thị đô thị loại IV, loại V của tỉnh Yên Bái: đến năm 2025 là 22 đô thị; đến 2030 là 24 đô thị loại IV, loại V. Phạm vi, ranh giới của vùng nội thành, nội thị của đô thị loại IV, V được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển, hình thành đô thị trên địa bàn trong từng thời kỳ.
Vùng hạn chế phát thải là khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường khác cần được bảo vệ (Khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống theo quy định của pháp luật về thủy sản): Trong quy hoạch vùng cá sinh sản của tỉnh có 02 khu vực bãi cá sinh sản là Khu vực bãi cá sinh sản xã Minh Tiến huyện Lục Yên và khu vực xã Bảo Ái huyện Yên Bình. Quy mô mỗi khu vực bãi cá sinh sản khoảng 250 ha. Trong đó, khoảng thời gian đặc biệt quan trọng dễ bị tổn thương là từ 15/6 đến tháng 9 hàng năm.
Ngoài ra, đối với vùng bảo vệ môi trường khác bao gồm toàn bộ diện tích còn lại không nằm trong khu vực vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải. Đặc điểm của Vùng bảo vệ môi trường khác là có hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động, phát sinh khối lượng chất thải rắn, nước thải, khí thải lớn, cần được giám sát để phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải: Các địa phương điều tra, đánh giá tổng quan các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường dễ bị tổn thương trước tác động của ô nhiễm môi trường tại vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải để tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Kiểm soát, duy trì và nâng cao chất lượng môi trường nước, môi trường đất và môi trường không khí, không để xảy ra ô nhiễm môi trường.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định về xác định vị trí, ranh giới của vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải trên địa bàn quản lý đã được xác định trong quy hoạch tỉnh trong kỳ quy hoạch. Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải là tuân thủ nghiêm Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật...
Công tác bảo vệ môi trường đối với các vùng khác thông qua việc tuân các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật. Đảm bảo quá trình phát triển kinh tế-xã hội phải gắn liền với quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, xã hội nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, thiên nhiên, các khu vực có tiềm năng về phát triển kinh tế-xã hội đảm bảo đáp ứng cácyêu cầu về bảo vệ môi trường.
Minh Phương
Bình luận