Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 14:01
Thứ hai, 21/10/2024 05:10
TMO - Trong khi nghề nuôi tôm truyền thống thường xuyên gặp phải nhiều khó khăn, dịch bệnh do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) vẫn có nguồn thu nhập ổn định và bền vững.
Việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có nghề nuôi tôm đã mang lại hiệu quả đáng kể cho người dân tại huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện Tiên Yên đã và đang xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực này.
Ngay từ năm 2023, diện tích nuôi tôm của huyện Tiên Yên đạt khoảng 1.100 ha; trong đó nuôi thâm canh (tôm thẻ chân trắng) đạt khoảng 243,7 ha, nuôi quảng canh (tôm sú) đạt 874,25 ha. Tổng sản lượng đạt 4.176 tấn tôm, trị giá khoảng 460 tỷ đồng. Trong đó, con tôm được coi là phương thức làm giàu của nhiều nông dân ở Tiên Yên khi cho doanh thu lớn.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cách quản trị môi trường ao nuôi và dịch bệnh chưa được bài bản, khoa học đã khiến môi trường nuôi tôm chuyển từ thuận sang nghịch. Người nuôi tôm truyền thống ở Tiên Yên chưa có thu nhập ổn định do tình hình dịch bệnh khó kiểm soát, và còn phụ thuộc lớn vào tình hình của thời tiết. Do đó, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cần phải nghiên cứu thay đổi phương thức nuôi sao cho hiệu quả hơn và để nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
Tính đến tháng 9 năm 2024, toàn huyện Tiên Yên có gần 1.200 ha nuôi tôm, tập trung chủ yếu là xã Hải Lạng với hơn 800 ha và xã Đồng Rui với hơn 200 ha. Một số người dân tại xã Hải Lạng (huyện Tiên Yên) cho biết, với nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm, để nuôi tôm thành công, người dân phải học hỏi, nghiên cứu và thay đổi quy trình làm theo từng thời điểm, không thể áp dụng theo truyền thống mãi. Đơn cử như với kỹ thuật nuôi tôm 3 giai đoạn trong diện tích hồ nhỏ hơn sẽ dễ dàng quản lý, vận hành hơn. Sản lượng của các hồ nhỏ sẽ cao hơn, tỉ lệ xảy ra rủi ro sẽ thấp hơn nhiều.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Đồng Rui cho biết, hầu hết người nuôi tôm của xã đã chuyển đổi mô hình nuôi ao vuông sang nuôi ao tròn. Việc nuôi tôm bằng ao tròn lót bạt, áp máy oxy không chỉ tiết kiệm diện tích, nhân công và chi phí đầu tư hơn so với nuôi ao vuông mà còn hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nuôi tôm bằng ao tròn cũng dễ quản lý, chăm sóc hơn và con tôm đạt chất lượng, đồng đều hơn.
Nuôi tôm công nghệ cao giúp tôm có chất lượng đồng đều, hạn chế dịch bệnh. (Ảnh minh hoạ: Internet).
Để hỗ trợ cho người nông dân, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh và đã tuyên truyền, vận động và triển khai thành lập câu lạc bộ (CLB) Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên. Ngày 18/10 vừa qua, CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên đã chính thức ra mắt với 52 thành viên, đa số là chủ hộ nuôi tôm trên địa bàn. Khi tham gia CLB, các thành viên sẽ được tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và thực hiện nuôi tôm theo quy trình cân bằng sinh học.
Đồng thời, không sử dụng hóa chất, kháng sinh; chia sẻ kinh nghiệm nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn cách ly dịch bệnh, triệt tiêu các nguyên nhân gây ra rủi ro từ sớm từ xa, hướng tới mục tiêu nuôi tôm đạt tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản), BAP (Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu - GAA).
Đại diện CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên chia sẻ, mục tiêu của CLB là từng bước hình thành cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm, gắn mục tiêu phát triển nghề nuôi tôm với mục tiêu bảo vệ môi trường và hệ sinh thái bền vững; giúp người nuôi tôm giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên thị trường. Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản bền vững, trong đó có con tôm.
Bên cạnh đó, những người nuôi cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề về kỹ thuật, thị trường,... để hạn chế rủi ro và cùng nhau phát triển, cùng nhau thành công. Vì vậy việc thành lập CLB Nuôi trồng thủy sản bền vững huyện Tiên Yên có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Năm 2024, diện tích nuôi tôm của huyện Tiên Yên đạt 1.190,8ha; trong đó nuôi thâm canh (tôm thẻ chân trắng) đạt 230ha, nuôi quảng canh (tôm sú) đạt 960,8 ha. Tổng sản lượng cả năm 2024 ước đạt 4.500 tấn tôm, trị giá khoảng 490 tỷ đồng.
Nuôi tôm công nghệ cao giải quyết được vấn đề dịch bệnh, môi trường nuôi, nhất là xử lý chất thải và khí độc trong ao nuôi thường gặp phải khi nuôi theo phương thức truyền thống. Những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã xây dựng, khuyến khích phát triển nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao như quy trình nuôi tôm nhiều giai đoạn, ứng dụng công nghệ bioflock, VietGAP... Nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Tiên Yên nói riêng và toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, là hướng đi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường nuôi dễ bị ô nhiễm như hiện nay.
Đức Vinh
Bình luận