Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 14:01
Thứ hai, 07/03/2022 13:03
TMO – Diện tích các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 12,2% diện tích cả nước (tức khoảng gần 40 nghìn km2) với dân số khoảng 18 triệu người (chiếm 19% dân số trên cả nước). Những năm gần đây, tuy kinh tế vùng ĐBSCL có chuyển biến tích cực, xong hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt về kinh tế nông nghiệp.
Nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Theo số liệu thống kê năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đang bị tác động và đối mặt nhiều khó khăn.
Thứ nhất, tác động của biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn. Với nền đất thấp, đối diện với 2 mặt biển cả phía đông và tây, ĐBSCL là một trong những vùng hứng chịu nặng nề nhất tác động của biến đổi khí hậu.
Nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau) thu hoạch tôm bên ruộng lúa.
Thứ hai, tác động phía thượng nguồn sông Mekong do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước (thủy điện; chuyển nước khỏi lưu vực hệ thống...), việc suy giảm nhanh diện tích rừng, thảm thực bì (nơi giữ nước, điều tiết nước) đã, đang và sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng làm thay đổi căn bản quy luật dòng chảy khi vào đến địa phận Việt Nam.
Thứ ba, những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại, như thâm canh lúa 3 vụ, khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu liên kết chậm được khắc phục; thiếu hạ tầng logistics phục vụ kinh tế nông nghiệp, nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, tư duy manh mún, mùa vụ của một bộ phận nông dân là một thách thức lớn cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Kinh tế trang trại chưa trở thành động lực để thúc đẩy hộ gia đình vươn lên sản xuất lớn. Cụ thể hơn, liên kết sản xuất "cánh đồng lớn" chỉ đạt 26,8% tổng diện tích canh tác lúa của vùng.
(Còn nữa)
Lan Hương
Bình luận