Hotline: 0941068156
Thứ tư, 04/12/2024 15:12
Thứ sáu, 09/08/2024 14:08
TMO - Những năm gần đây, du lịch nông nghiệp, nông thôn là xu hướng được nhiều địa phương đẩy mạnh. Tại tỉnh Ninh Bình, với nhiều tiềm năng, loại hình du lịch này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế cho các địa phương trên địa bàn tỉnh, mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn chiếm 10% với doanh thu khoảng 30 tỷ USD. Tại Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những thế mạnh đang được nhiều địa phương tập trung khai thác. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những mũi nhọn trong định hướng phát triển của du lịch Việt Nam, mang lại lợi ích kinh tế lớn cho các địa phương.
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh, trong đó đặc biệt đề cao đến giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy vai trò của cộng đồng. Để tạo sức bật cho du lịch nông nghiệp, nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Chương trình phối hợp trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững giai đoạn 2024-2030.
Hiện các địa phương đang nỗ lực tập trung cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để thu hút du khách trải nghiệm. Tại tỉnh Quảng Ninh, bên cạnh thế mạnh là du lịch biển đảo, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn được khai thác mạnh ở các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, Đông Triều. Còn ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Ninh Bình... nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút khách như trải nghiệm du lịch hái quả, khám phá mùa lúa chín. Ở miền Trung, Nam Bộ và Tây Nguyên, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành thương hiệu cho nhiều địa phương như: Khám phá đời sống sông nước trên phá Tam Giang ở Thừa Thiên Huế; du lịch miệt vườn tại Cần Thơ, Bến Tre; du lịch trải nghiệm cùng cây cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên...
Đầm sen Vân Long dưới chân núi Ngoạ Long (huyện Gia Viễn) thu hút đông đảo người dân và du khách. Ảnh: LK.
Tại tỉnh Ninh Bình, Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, địa phương đang tập trung phát triển du lịch nông thôn để khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc tại đây. Loại hình này đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách về nhiều khía cạnh như: Văn hóa, ẩm thực, tinh thần… góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững thông qua việc tăng thu nhập, tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 77 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận (trong đó có 04 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, 46 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 11 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; 03 làng nghề dịch vụ, phục vụ đời sống dân cư nông thôn).
Các làng nghề có thể tạo ra khá nhiều các sản phẩm thủ công độc đáo như: Gốm, cói, mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, sản phẩm thêu ren… Ở mỗi khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ta đều đã hình thành và phát triển các mặt hàng du lịch đặc trưng của các vùng miền. Đó là những gian hàng bán các sản phẩm thêu tay ở Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động; các mặt hàng cói ở Nhà thờ đá Phát Diệm; các gian hàng gốm sứ mỹ nghệ, thêu ren ở Phố Cổ Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính. Những đồng lúa, đồng hoa, đồi dứa... của Ninh Bình đều có lợi thế để phát triển du lịch.
Sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình được chuẩn hoá, phát triển từ sản phẩm đặc sắc của những làng nghề truyền thống, từ những sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, riêng có, từ những nghề gia truyền nông thôn,… thấm sâu trong những sản phẩm OCOP Ninh Bình là giá trị lịch sử, bản sắc văn hoá, truyền thống của những vùng quê Ninh Bình; sản phẩm OCOP Ninh Bình vừa có sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái (dịch vụ du lịch Vân Long Gia Viễn, khu du lịch Hang Múa Hoa Lư, du lịch cộng đồng Quèn Thờ Tam Điệp), vừa có sản phẩm phục vụ ẩm thực cho khách du lịch (thịt dê, cơm cháy, ruốc cá rô Tổng trường, mắm tép…..), sản phẩm chăm sóc sức khỏe (Trà hoa vàng Cúc Phương, cà gai leo, tinh dầu,…), vừa là lựa chọn của du khách khi mua làm quà tặng (tranh lá bồ đề, cói mỹ nghệ, gốm Bồ Bát, ….).
Du khách tham gia trải nghiệm “Một ngày làm nông dân” tại Khu du lịch sinh thái Động Thiên Hà, xã Sơn Hà, huyện Nho Quan.
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, để mô hình du lịch nông thôn phát triển bền vững vẫn còn nhiều khó khăn. Du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, mang tính chất tự phát, phát triển từ những dịch vụ đơn giản là tham quan trang trại, cải tạo nhà vườn thành nơi nghỉ ngơi của khách, chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành điểm đến du lịch hấp dẫn...
Quá trình phát triển du lịch nông thôn còn chậm và chưa đạt kết quả tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương; Còn thiếu định hướng và những quy hoạch cụ thể cho các vùng lợi thế phát triển du lịch nông thôn. Công tác tuyên truyền, quảng bá chưa có chiến lược rõ ràng. Các doanh nghiệp du lịch chưa quan tâm, chú trọng nhiều đến loại hình du lịch này, đầu tư cho du lịch nông thôn còn hạn chế.
Thời gian tới, Sở Du lịch tỉnh thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nông thôn đồng bộ với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch không gian phát triển du lịch nông thôn cần gắn với đặc trưng sinh thái vùng, miền, chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa - lịch sử. Phát triển du lịch nông thôn ở Ninh Bình hướng đến khai thác sự sáng tạo, khác biệt về văn hóa, cảnh quan sinh thái để tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường.
Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch nông thôn trên nền tảng công nghệ số, truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông thôn tại các hội chợ, triển lãm. Huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; trong đó: tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác nông nghiệp, góp sức của cộng đồng và các nguồn hợp pháp khác cho phát triển du lịch nông thôn.
Gắn liền việc phát triển du lịch nông thôn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - Chuẩn hóa các điểm du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài ra mỗi vùng miền với thế mạnh riêng về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, con người, ẩm thực và đặc biệt với những sản phẩm nông nghiệp phong phú đa dạng nhưng mang thế mạnh địa phương và là đặc sản vùng miền.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2022 – 2025 cho biết, Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh theo 5 tiểu vùng sinh thái, gắn với phục vụ du lịch, gồm, tiểu vùng đồi núi bán sơn địa, tiểu vùng trũng, tiểu vùng đồng bằng, tiểu vùng ven đô thị, tiểu vùng ven biển. Mỗi tiểu vùng đã được định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản riêng.
Hiện nay, quy hoạch nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình cũng đã được tích hợp vào các quy hoạch chung của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng thuận thiên, hữu cơ, tuần hoàn, tích hợp đa giá trị. Đây chính là cơ sở để nông nghiệp Ninh Bình dần tạo dựng được bản sắc riêng, khác biệt với các địa phương trên cả nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của từng vùng sinh thái, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; tập trung đào tạo, kiến thức kỹ năng phát triển thị trường cho các chủ thể, hỗ trợ, hình thành các dòng sản phẩm làm quà biếu, tặng gắn với lịch sử, văn hóa địa phương.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, mở rộng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, xây dựng các tour, tuyến đưa du khách đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm ngay tại các làng nghề truyền thống và cơ sở sản xuất các sản phẩm nông sản đặc thù của tỉnh. tỉnh Ninh Bình cũng xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản, sản phẩm có lợi thế, làng nghề truyền thống và dịch vụ du lịch nông thôn; gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng và bảo vệ cảnh quan, môi trường, bảo tồn giá trị văn hóa và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ngọc Ánh
Bình luận