Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 03:11
Thứ năm, 07/03/2024 14:03
TMO - Tỉnh Ninh Bình hướng tới mục tiêu hình thành cụm liên kết trong sản xuất một số ngành công nghiệp ưu tiên. Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu, khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, cả nước.
Từ một khu công nghiệp (KCN) được thành lập vào năm 2004, đến hết năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã có 7 KCN, với tổng diện tích 1.472 ha. Trong đó, 5 KCN đã được thành lập đi vào hoạt động ổn định, cơ bản được lấp đầy, đó là: KCN Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp I, Phúc Sơn, Khánh Cư, với tổng diện tích đất quy hoạch là trên 847 ha; đất công nghiệp có thể cho thuê là gần 700 ha.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình cho biết, với đặc thù 3 KCN đầu tiên (Gián Khẩu, Khánh Phú và Tam Điệp I) được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã chọn giải pháp vừa đầu tư hạ tầng theo phân kỳ vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư. Do đó, các KCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã nhanh chóng xây dựng được cơ sở hạ tầng, đủ điều kiện kêu gọi, thu hút đầu tư, sớm phát huy hiệu quả. Bên cạnh 3 KCN đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, KCN Phúc Sơn và KCN Khánh Cư được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách, là điểm sáng khởi đầu trong thu hút đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN của tỉnh.
Các chủ đầu tư đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sự phát triển của các KCN đã trở thành đòn bẩy, động lực để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Các dự án đầu tư vào KCN tỉnh Ninh Bình phần lớn là các dự án có quy mô lớn. Các chỉ số về tốc độ lấp đầy, chất lượng các dự án, tính khả thi và hiệu quả của các dự án KCN ở mức khá so với các KCN trong khu vực và cả nước.
Sự phát triển của các KCN đã trở thành đòn bẩy, động lực để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình.
Hiện nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực là 122 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 65.485 tỷ đồng. Trong đó, có 33 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký trên 635 triệu USD (tương đương trên 13.755 tỷ đồng). Đã có 103 dự án đã đi vào hoạt động (chiếm tỷ lệ 84,4% tổng số dự án), ước tính vốn thực hiện của các dự án đến nay đạt 58.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 88,5% vốn đăng ký).
Các KCN đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình. Năm 2022, doanh thu các doanh nghiệp trong KCN đạt 72.860 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD, nộp ngân sách đạt 18.917 tỷ đồng (chiếm trên 80% số thu ngân sách toàn tỉnh). Năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế, hậu quả của dịch bệnh COVID-19 cũng như bất ổn địa chính trị ở một số nước trên thế giới, tuy nhiên, các doanh nghiệp KCN tỉnh Ninh Bình đã khắc phục khó khăn, cơ bản duy trì được hoạt động sản xuất. Năm 2023, doanh thu các doanh nghiệp KCN đạt 61.787 tỷ đồng, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.352 triệu USD, nộp ngân sách đạt 13.242 tỷ đồng, tạo việc làm cho 36.385 lao động.
Ninh Bình là một trong số ít địa phương trên cả nước đạt kết quả tăng trưởng sản xuất công nghiệp dương năm 2023. Số liệu từ Sở Công Thương Ninh Bình cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2023 ước đạt 102.893,2 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm trước. Trong đó, công nghiệp khai khoáng đạt 575,8 tỷ đồng, tăng 10,0%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 100.867,1 tỷ đồng, tăng 3,4%; sản xuất, phân phối điện đạt 1.121,4 tỷ đồng, tăng 4,8%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải đạt 328,9 tỷ đồng, tăng 8,6%. Các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất tăng khá, gồm: Đá các loại 3,6 triệu m3, tăng 8,6%; thép cán các loại 264,4 nghìn tấn, tăng 9,9%; linh kiện điện tử 109,4 triệu cái, tăng 9,6%; kính máy ảnh 2,4 triệu cái, gấp 2,1 lần...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII xác định rõ định hướng phát triển lĩnh vực công nghiệp là: "Đẩy mạnh phát triển các Khu công nghiệp-dịch vụ-đô thị thế hệ mới gắn với cơ cấu lại ngành công nghiệp; lấy công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực, thúc đẩy dịch vụ hóa, đô thị hóa đồng bộ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu".
Theo quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Chính phủ phê duyệt, về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, trong đó với ngành công nghiệp - xây dựng, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng đẩy mạnh các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu. Có cơ chế, chính sách vượt trội thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Ninh Bình tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ôtô...
Tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí sản xuất lắp ráp ôtô; công nghiệp điện tử; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật cao; các ngành công nghiệp chế biến phục vụ sản xuất nông nghiệp; duy trì ổn định sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực truyền thống gắn với bảo vệ môi trường; phát triển một số ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng có sử dụng hợp lý lao động.
Hình thành cụm liên kết trong sản xuất một số ngành công nghiệp ưu tiên, tạo nền tảng và cơ sở kết nối chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Phát triển ngành xây dựng theo hướng hiện đại, kỹ thuật chuyên sâu, khả năng cạnh tranh cao và đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, cả nước.
Trên cơ sở những định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, để các KCN tiếp tục là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình, trong thời gian tới Ban quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm:
Nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển công nghiệp ô tô, điện tử và phụ trợ ngành công nghiệp ô tô. Tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực một cách bền vững; chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt tại các thị trường nhiều tiềm năng…
Quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư sau cấp phép, tạo điều kiện cho các dự án sớm hoàn thiện thủ tục có liên quan, triển khai xây dựng và đi vào hoạt động. đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ban Quản lý các KCN Ninh Bình khẳng định sẽ hỗ trợ cùng các nhà đầu tư, tập trung sức lực và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đưa tỉnh Ninh Bình trở thành trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại hàng đầu của đất nước; điểm sáng điển hình, xây dựng nhanh và bền vững cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 vì sự phát triển lớn mạnh của hệ thống các KCN trong tỉnh, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày một sâu rộng.
Trần Nam
Bình luận