Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 11:01
Thứ sáu, 09/12/2022 04:12
Ảnh minh họa
Người dân quê tôi vào mùa khô hạn nhà nào cũng luôn vất vả với công việc tát nước như vậy, bởi nếu không nỗ lực bỏ công sức để tát nước cứu cây trồng thì chắc chắn sẽ cầm chắc cảnh ruộng nhà bị thất thu vì cây chết khô chết héo, và cái đói, cái nghèo sẽ bủa vây.
Tôi sinh ra tại một vùng bán sơn địa, nơi có những vùng đồng bằng nhỏ xen lẫn với các vạt núi đồi nhấp nhô, chính vì thế mà vào mùa mưa thường xảy ra cảnh úng lụt khi nước dâng tràn làm ngập cây cối thất bát mùa màng; trong khi mùa khô thì nước trở nên quá khan hiếm khiến cho không chỉ cây cối "khát khô" mà con người, vật nuôi cũng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đối với nước dùng cho sinh hoạt thì mọi gia đình trong làng còn có thể tích trữ được trong các bể chứa vào mùa mưa, rồi dùng dần, dùng tiết kiệm qua mấy tháng mùa khô hạn, nhưng đối với cây cối mùa màng thì quả là khó khăn, khi mà nguồn nước tích trữ ở các khu hồ chứa, các con suối, sông, vũng đầm…, chỉ đủ dùng cho vài tháng đầu mùa khô, còn mấy tháng tiếp theo thì trở nên cạn kiệt nguồn nước. Chính vì không chủ động được nguồn nước tưới tiêu vào mùa khô hạn như vậy nên làng quê tôi cũng như hết thảy các làng quê khác trong vùng bán sơn địa rộng lớn ấy đều luôn xảy ra cảnh mùa màng thất bát, mà khi mùa màng thất bát như vậy thường kéo theo cái nghèo cái đói đeo đẳng dân làng đến triền miên….
Ngày tôi còn nhỏ, hễ cứ tới mùa khô hạn là dân cả làng, cả xã lại kéo nhau ra đồng để tát nước chống hạn cho lúa, cho các loại cây rau màu. Nhà tôi neo người khi mẹ đăng ký làm tới cả trên một mẫu ruộng của HTX mà chỉ có mấy lao động, vì vậy mà mấy anh chị em chúng tôi dù vẫn còn nhỏ, mới chỉ bước vào cấp 2 trường làng, mà đã bị bố mẹ “huy động” nhân lực ra đồng để tát nước chống hạn. Ngay khu đồng xã tôi có một cái hồ chứa nước rộng chừng vài héc ta, và nó được tích nước từ mấy con suối nhỏ chảy từ trên núi xuống, vì thế mà vài tháng đầu mùa khô còn có nước để tưới tắm cho mùa màng. Khi tới mùa khô, xung quanh cái hồ nước ấy có tới cả vài trăm chiếc gầu sòng, gầu dây được bắc lên để tát nước. Hầu như nhà nào cũng ra hồ tát nước, bởi chỉ cần vài ngày ruộng không được cung cấp nước là sẽ có nguy cơ lúa, đậu đỗ, ngô... bị chết khô héo.
Với các vạt ruộng ở gần hồ thì công việc tát nước vào ruộng là nhanh, dễ dàng; nhưng với nhiều vạt ruộng cách xa hồ nước thì việc tát nước dẫn vào là rất cực nhọc, vất vả. Có khi dòng nước được tát từ hồ lên một máng nhỏ, rồi nước chảy theo máng ấy chạy dài tới cả gần cây số, thậm chí dài hơn nữa mới tới được khu ruộng. Cũng có khi, muốn đưa được nước lên tới các chân ruộng cao ở ven đồi thì người ta phải tát theo một cấp bậc nữa, nghĩa là từ hồ vào máng, rồi sau đó lại phải tát từ máng lên một máng khác cao hơn ở trên thì nước mới chảy tới ruộng. Chẳng vậy mà có gia đình huy động cùng lúc tất cả nhân lực đi tát nước chống hạn. Vì các đường máng chạy dọc từ hồ tới các khu ruộng số lượng có hạn, nên có khi nhiều lúc các gia đình cùng tát nước chung nhau, nghĩa là cùng nhau tát nước dưới hồ vào con máng để nước chảy chung vào các ruộng. Nếu nhà ai neo đơn, ruộng lại trên cao thì họ cũng thường trao đổi tát nước chung, tát đổi công, bởi khi đó sẽ thuận tiện hơn, chứ cứ tát theo kiểu cấp bậc vừa mệt, vừa lâu công...
Khung cảnh tát nước chống hạn cho mùa màng trong những tháng mùa khô luôn tất bật và nhộn nhịp như vậy. Không chỉ ban ngày, mà ban đêm cảnh tát nước vẫn diễn ra vì nhiều hộ tát ngày chưa đủ họ tranh thủ tát đêm. Gia đình tôi cũng vẫn thường phải tát nước đêm như vậy vì mẹ tôi là người không thể chịu được cái nắng gay gắt, nóng tới gần 40 độ c, vì vậy mà nếu có tát nước ban ngày thì cũng chỉ độ 9-10 giờ sáng, khi ánh nắng còn nhạt, chưa gay gắt là mẹ đã dừng công việc để về nhà nghỉ ngơi, đợi chiều mát lại ra đồng tát nước tiếp. Nhiều hôm mấy anh chị em chúng tôi theo bố mẹ đi tát nước từ chiều tối cho tới tận quá nửa đêm, khi Ông Trăng bắt đầu lên đến đỉnh đầu thì mới trở về nhà. Nói chung là người dân quê tôi vào mùa khô hạn nhà nào cũng luôn vất vả với công việc tát nước như vậy, bởi nếu không nỗ lực bỏ công sức để tát nước cứu cây trồng thì chắc chắn sẽ cầm chắc cảnh ruộng nhà bị thất thu vì cây chết khô chết héo, và cái đói, cái nghèo sẽ bủa vây.
Việc tát nước chống hạn trong những tháng năm tôi còn nhỏ thì đều dùng sức người, khi phương tiện chủ yếu dùng để tát nước là bằng gầu được đan bằng nan tre, trong đó có 2 loại, đó là gầu giai và gầu dây. Gầu giai hình bầu chỉ dành cho một người tát, còn gầu dây có hình tròn, hai bên buộc dây chão, dùng cho hai người tát. Thường là gầu giai do những người lớn đảm nhiệm, bởi để múc được một gầu nước nặng tới mấy chục cân thì sức trẻ nhỏ là khó lòng làm được. Gầu dây dẫu khối lượng nước cũng tương đương gầu giai, nhưng do trọng lượng được chia đều cho hai người đứng tát, vì vậy nó nhẹ đi đôi chút và trẻ nhỏ độ trên dưới 10 tuổi đã có thể đứng tát cùng người lớn được rồi. Chẳng vậy mà mấy anh chị em trong nhà tôi đứa nào lên tám, lên 9 là mẹ đã bắt ra đồng rồi dạy cách cầm gầu tát nước. Ngày mới tập đứng gầu dây tát nước tôi cũng chỉ bỡ ngỡ độ vài bữa rồi sau đó thành thạo ngay. Bước qua tuổi lên 10 tôi đã là lao động chính trong các buổi đi tát nước chống hạn cùng mẹ cha.
Năm tháng qua đi, xã hội và khoa học phát triển nên cuộc sống của người dân quê tôi cũng dần đổi mới nhiều, nhất là công việc tát nước chống hạn cũng không còn cơ cực vất vả như ngày tôi còn nhỏ. Hạn thì vẫn vậy, vẫn khô khát định kỳ mấy tháng trong năm nhưng cây cối mùa màng luôn được tưới tắm bằng dòng nước của máy bơm chạy điện, chạy dầu. Sức người được giải phóng, khi bằng máy bơm nhỏ, vài cuộn ống dây dẫn nước chỉ cần một người cũng có thể tưới nước cho cả vạt ruộng rộng tới mấy sào chỉ trong một ngày, trong khi ngày trước phải cần tới cả chục người trong vài ngày mới làm nổi.
Từng đi qua nhiều vùng đất vào mùa khô khát, chứng kiến khung cảnh tất bật, vất vả đến cực nhọc của người dân trong việc tìm kiếm nguồn nước cho cây trồng và sự sống, tôi thấu hiểu và cảm thông với nỗi khổ của họ, vì đã có một thời gian dài trong ký ức tuổi thơ tôi cũng đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức cho việc tát nước chống hạn cứu mùa màng...
Ghi chép của Nguyễn Gia Long
Bình luận