Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 18/01/2025 20:01
Thứ hai, 12/08/2024 07:08
TMO - Tỉnh Long An đã và đang đẩy mạnh nhân rộng mô hình công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt trong quá trình nuôi tôm, giúp tăng năng suất và chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người nông dân.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, ít xảy ra các loại dịch bệnh, tình hình tiêu thụ thủy sản nuôi có chiều hướng chuyển biến tích cực.
Những năm qua, tỉnh Long An xây dựng vùng nuôi tôm nước lợ tập trung tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, với tổng diện tích gần 7.000ha; thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thương phẩm tại một số diện tích. Trong đó, huyện Cần Giuộc là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất tỉnh với 9 xã nuôi tôm nước lợ, tổng diện tích trên 2.000ha, sản lượng bình quân 5.000 tấn/năm.
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ toàn tỉnh Long An là 4.430ha (tôm sú 360ha; tôm thẻ chân trắng 4.070ha), bằng 72,6% so với kế hoạch, bằng 98% so cùng kỳ; đã thu hoạch 3.505ha, năng suất bình quân 3,4 tấn/ha, sản lượng 12.010 tấn, đạt 75% kế hoạch và bằng 105,6% so cùng kỳ.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Long An, theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, tỉnh thực hiện 7 mô hình điểm nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) với tổng diện tích 3,5ha tại 3 huyện Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ. Đến nay, tỉnh thực hiện 6 mô hình điểm với tổng diện tích 6,75ha. Mỗi mô hình điểm được hỗ trợ một lần 50% tổng kinh phí thực hiện nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình, bao gồm con giống, thức ăn và hệ thống cảnh báo giám sát môi trường.
Đồng thời, các huyện Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ cũng triển khai nhân rộng các mô hình trình diễn nuôi tôm ƯDCNC; ứng dụng và phát triển công nghệ xử lý môi trường bằng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát môi trường ao nuôi và quản lý sức khỏe tôm nuôi;... với tổng diện tích 100ha. Đến nay, đã thực hiện được 61,61ha.
Đại diện phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ cho biết, hiện toàn huyện có hơn 17ha tôm ƯDCNC. Qua thống kê cho thấy, việc nuôi tôm ƯDCNC đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao năng suất, tăng lợi nhuận cho người nuôi tôm.
Một số hộ gia đình thực hiện mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 tại xã Nhật Tinh, huyện Tân Trụ nhận định, với quy mô 6.000m2 (4 ao), số lượng tôm giống thả ban đầu là 340.000 con, sau 90 ngày (ương 30 ngày, nuôi 60 ngày), tôm đạt kích cỡ 38 con/kg, sống 90%. Người dân thu hoạch được 8 tấn tôm, bán với giá 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, có lợi nhuận gần 500 triệu đồng.
Nuôi tôm công nghệ cao mang lại thu nhập tiền tỷ cho người nông dân tỉnh Long An. (Ảnh minh hoạ: KK).
Tại huyện Châu Thành, những năm gần đây, người dân mạnh dạn ƯDCNC vào nuôi tôm và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện, theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025, huyện Châu Thành thực hiện 30ha tôm ƯDCNC. Đến nay, huyện có 29,58ha tôm ƯDCNC.
Trước những kết quả tích cực của mô hình nuôi tôm ƯDCNC, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Long An sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này. Năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai nhân rộng các mô hình ƯDCNC trên con tôm ở 3 huyện Cần Đước, Châu Thành và Tân Trụ, với tổng diện tích 23,3ha.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT Long An thông tin, qua triển khai các mô hình nuôi tôm ƯDCNC cho thấy, nông dân đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc, thả nuôi 2-3 giai đoạn, ao lót lưới đáy, trang bị đầy đủ thiết bị, máy móc, thả nuôi mật độ cao nên sản lượng và lợi nhuận tăng lên. Cụ thể, lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình dao động từ 0,8-1,7 tỉ đồng/ha/năm.
Đặc biệt, các mô hình nuôi tôm ƯDCNC đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của nông dân, nhất là nuôi tôm nhiều giai đoạn, kiểm soát chặt chẽ môi trường, giảm thuốc, hóa chất, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện môi trường, góp phần bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.
Thống kê cho thấy, các mô hình nuôi tôm ƯDCNC tại huyện Châu Thành và Tân Trụ tương đối phù hợp với điều kiện của người dân địa phương, dễ áp dụng, hiệu quả cao nên có thể nhân rộng trong tỉnh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số mô hình chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Những năm gần đây, các địa phương của tỉnh Long An đã hình thành vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi tôm ƯDCNC phát huy hiệu quả, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho người nuôi. Qua đó, từng bước phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND về Chính sách hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào nuôi trồng thủy sản đã góp phần hình thành một phương thức sản xuất mới tiên tiến, chủ động trong tất cả các khâu sản xuất, tạo ra sản phẩm tôm thương phẩm năng suất cao, chất lượng tốt.
Vì vậy, trong thời gian tới Sở NN&PTNT Long An sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống và nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ để các hộ nuôi trồng thủy sản, góp phần để ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
Đoàn Minh
Bình luận