Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 00:11
Thứ năm, 18/07/2024 15:07
TMO - Mới đây, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ (ASISOV) đã nghiên cứu, trồng thành công cây hành tím từ hạt giống. Nghiên cứu này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân trong quá trình canh tác, đồng thời tăng năng suất thu hoạch, tiết kiệm chi phí nhân công…
Trồng hành tím từ hạt giống đang là xu hướng mới giúp nâng cao năng suất và giảm chi phí cho các nông dân tại Việt Nam. Trước đó hầu hết các nông dân trồng hành tím vẫn sử dụng củ giống. Tuy nhiên, phương pháp này đang đối mặt với nhiều thách thức như nhiễm sâu bệnh, giảm chất lượng củ và tăng chi phí vận chuyển. Việc bảo quản củ giống cũng gặp nhiều khó khăn, từ đó làm tăng giá thành sản xuất.
Trước thực tế trên, ASISOV đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình nhân giống hành tím bằng hạt giống, bao gồm hai phương pháp chính là nhân giống bằng hạt OP (dòng tự thụ) và nhân giống bằng hạt lai F1. Nhân giống bằng hạt OP là hạt giống thụ phấn tự nhiên, tức là các cây tự thụ phấn và tạo ra hạt giống. Nhân giống bằng hạt lai F1 là sử dụng các cây bố mẹ cơ bản để lai tạo nhằm tạo ra thế hệ mới.
Quy trình nhân giống hành tím bằng hạt OP bắt đầu bằng việc chọn lọc và phục tráng các dòng hành tím địa phương qua 3 thế hệ. Quá trình thụ phấn tự nhiên được thực hiện bằng ong. Sau đó, cây con mọc từ hạt OP được gieo ươm trong khay, chăm sóc cẩn thận trong điều kiện nhà lưới.
Trong quy trình nhân giống bằng hạt lai F1, một giống hành tím địa phương được chọn làm dòng bố mẹ, trong khi một dòng hành tím đặc biệt không thể tự thụ phấn (bất dục đực) được lựa chọn làm dòng mẹ. Quá trình thụ phấn được thực hiện nhờ các loài ong giao phấn. Từ việc lai tạo này, hạt lai F1 được hình thành. Cây con mọc từ những hạt lai F1 này được gieo ươm trong khay và chăm sóc cẩn thận trong điều kiện nhà lưới.
Sau khi hạt được gieo ươm từ 45-60 ngày, các cây con mọc lên từ hạt OP và hạt lai F1 đều được đưa ra trồng tại ruộng sản xuất. Sau khoảng 90-100 ngày tiếp theo là có thể thu hoạch củ hành thương phẩm hoặc giữ lại làm củ giống cho vụ sau.
Trồng hành tím bằng hạt giống đem lại nhiều lợi ích vượt trội so với trồng bằng củ giống truyền thống. Theo Lãnh đạo ASISOV, vì được nhân giống hữu tính nên cây hành từ hạt giống khỏe mạnh hơn, tỷ lệ sống cao, củ hành to hơn và khả năng chống chịu cũng tốt hơn. Theo ASISOV, hiện trong nước có một số nghiên cứu từ giống nhập khẩu, song chi phí cao hơn, thời gian dài, rủi ro cao nếu giống thích ứng không tốt. Giống nhập khẩu có thể mang theo các mầm bệnh hoặc sâu bệnh mới, gây rủi ro cho hệ sinh thái địa phương.
Mô hình nghiên cứu giống hành tím của ASISOV. Ảnh: VT.
Để tính toán được khả năng thích nghi, đơn vị đã thử nghiệm thành công mô hình trồng cây hành tím từ hạt OP và hạt lai F1. Dù mới chỉ ở quy mô nhỏ, nhưng theo đánh giá năng suất hành tím trồng từ hạt có thể tăng gấp đôi so với trồng từ củ giống truyền thống. Cụ thể, hành tím giống OP cho năng suất 25 tấn/ha, trong khi giống lai F1 là 30 tấn/ha, gấp đôi năng suất hành trồng từ củ giống trung bình 15-20 tấn/ha.
Bên cạnh đó, sử dụng hạt giống trong canh tác hành tím giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào. Với phương pháp dùng củ giống, quy mô 1 ha, tùy theo kích cỡ củ giống, nông dân phải chi từ 2-3 tấn củ, tương đương từ 80 triệu đến 195 triệu đồng chi phí mua giống. Nếu thời tiết nắng nóng sẽ khiến tỷ lệ hao hụt củ giống cao, buộc người trồng phải sử dụng lượng giống nhiều hơn, lên tới 3 tấn/ha.
Với hạt giống, diện tích 1ha chỉ cần khoảng 1 kg hạt giống có thể gieo ra đủ cây con khoảng 60 triệu đồng, giảm hơn một nửa chi phí so với củ giống. Nhờ đặc điểm nhỏ gọn, hạt giống dễ dàng vận chuyển và cũng không chiếm nhiều diện tích bảo quản nếu bảo quản trong điều kiện lạnh.
Ngoài ra, phương pháp trồng hành tím sử dụng củ giống truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro, củ giống có thể tích lũy sâu bệnh hại trong tầng đế củ, làm suy giảm chất lượng, củ hành thương phẩm nhỏ đi và ảnh hưởng đến năng suất. Sau thu hoạch, củ giống cần bảo quản lạnh để đảm bảo không sâu bệnh. Những chi phí tốn kém này khiến giá thành củ giống hành tím truyền thống tăng cao, gây khó khăn cho người sản xuất. Trong khi đó, với hạt giống, do được sản xuất trong điều kiện khép kín nên hạt giống cũng sạch hơn, củ hành thu hoạch đồng đều và to hơn.
Củ hành tím thu hoạch được trồng từ hạt giống có năng suất cao hơn, củ to hơn. Ảnh: VNE.
Lãnh đạo ASISOV xác nhận, công nghệ nhân giống hạt OP và hạt lai F1 cho hành tím mà Viện đã nghiên cứu thành công không chỉ khắc phục hiện tượng thoái hóa giống hành mà còn mang lại nhiều lợi ích vượt trội. Nhờ được sản xuất trong điều kiện kiểm soát, hạt giống của công nghệ mới giúp cây hành có khả năng chống chịu tốt hơn với thời tiết khắc nghiệt hay dịch hại, đảm bảo sản lượng ổn định. Đặc biệt, độ đồng đều về kích cỡ và chất lượng của củ hành thu hoạch cũng được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao năng suất củ thương phẩm.
ASISOV dự kiến chuyển giao công nghệ mới này theo 3 hình thức, đó là chuyển giao hạt giống, cung cấp cây con, và cung cấp củ giống. Việc áp dụng công nghệ nhân giống hành tím từ hạt giống mới không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp.
Các nghiên cứu tiếp theo sẽ tiếp tục tối ưu hóa quy trình nhân giống, nâng cao chất lượng và hiệu suất sản xuất, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước, góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu.
Có thể nhận thấy rằng việc sử dụng hạt giống hành tím để canh tác thay vì dùng củ giống truyền thống đã mang lại những lợi ích thiết thực cho người nông dân. Đồng thời đóng góp tích cực vào việc tăng năng suất, giảm chi phí. Đây là một một bước tiến quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của nông dân về việc ứng dụng những tiến bộ, nghiên cứu khoa học trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Thúy Vy
Bình luận