Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 07:11
Thứ hai, 06/11/2023 07:11
TMO - Mặc dù ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tuy nhiên hệ thống thoát nước vẫn chưa thể hoàn chỉnh để đáp ứng được yêu cầu về giải quyết triệt để ngập úng, bởi tốc độ đô thị hóa tại thành phố đang diễn ra nhanh chóng.
Thời gian qua, trên địa bàn Đà Nẵng liên tiếp xảy ra ngập lụt các tuyến đường, các khu dân cư mỗi khi có mưa lớn. Tần suất xuất hiện các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có nên dễ xảy ra tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, còn có một số nguyên nhân chủ quan.
Việc đánh giá các nguyên nhân, thực trạng hệ thống thoát nước đô thị, công tác vận hành hồ, đập, ảnh hưởng của các công trình giao thông... đến ngập úng đô thị là bức thiết. Đặc biệt, cần đánh giá khả năng đáp ứng của hệ thống thoát nước đô thị đã được đầu tư trong nhiều năm qua với tốc độ đô thị hóa, tăng dân số và biến đổi khí hậu... Từ đó, đề ra các giải pháp, đầu tư ngắn hạn, lâu dài để hạn chế tác động của ngập úng đô thị đến đời sống của người dân.
Tần suất xuất hiện các trận mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây ngày càng nhiều, mực nước sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng luôn ở mức cao mỗi khi mưa lớn hoặc xảy ra lũ từ thượng nguồn. Do vậy, UBND thành phố chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên lập quy hoạch phân khu, ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa... Đồng thời, khẩn trương đánh giá hiện trạng quy hoạch về cao độ nền và năng lực thoát nước của thành phố.
Các chuyên gia cho rằng, địa hình tự nhiên thành phố Đà Nẵng dốc theo hướng từ Tây sang Đông nên thuận lợi cho việc thoát nước mưa. Chiều dài các tuyến thoát nước tương đối ngắn, nguồn xả là dọc hệ thống sông Túy Loan, Cầu Đỏ, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Cổ Cổ và Hàn; sông Cu Đê; ven biển phía Đông và ven Vịnh Đà Nẵng kết hợp hệ thống hồ điều hòa bố trí rãi rác trong thành phố. Tuy nhiên, các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Các trận mưa lớn thường xảy ra tại thời điểm điều kiện thủy văn bất lợi, mực nước triều cao hơn đáy cửa xả nên hạn chế khả năng tự chảy của cống. Hệ thống thoát nước vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tại khu vực trung tâm thành phố.
Thành phố Đà Nẵng tập trung đánh giá các nguyên nhân, thực trạng hệ thống thoát nước đô thị, công tác vận hành hồ, đập, ảnh hưởng của các công trình giao thông... đến ngập úng đô thị.
Đơn vị thoát nước trên địa bàn thành phố đã triển khai các biện pháp phòng chống và ứng phó kịp thời để giảm thiểu tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố và thiệt hại do đợt mưa lớn gây ra. Triển khai hạ mực nước trong các hồ điều tiết xuống mức thấp nhất tại hồ Công viên 29/3, hồ Thạc Gián Vĩnh Trung, hồ Ba Sen Vàng....để tăng khả năng điều tiết nước. Bố trí lực lượng ứng trực, thực hiện công tác khơi thông thoát nước tại các vị trí ngập úng trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, vận hành các cửa Ba Sen Vàng, Đảo Xanh, Khuê Trung, Thanh Huy, Yên Khê 1, Yên Khê 2, Công viên 29/3, Thạc Gián -Vĩnh Trung, Yên Thế Bắc Sơn, cửa trạm bơm Ông Ích Khiêm, cửa tại trạm bơm chống ngập Trương Chí Cương. Qua theo dõi các đợt mưa vừa qua, hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 50 vị trí ngập úng cục bộ (quận Cẩm Lệ: 03 vị trí; quận Sơn Trà: 06 vị trí; quận Ngũ Hành Sơn: 04 vị trí; quận Hải Châu: 17 vị trí; quận Thanh Khê: 13 vị trí và quận Liên Chiểu 07 vị trí).
Hiện nay, các cửa xả ven biển thường xuyên bị bồi lấp khi có gió lớn nên gây ảnh hưởng rất lớn cho việc thoát nước của các cửa xả này khi có mưa (đặc biệt khi kết hợp triều cường). Do vậy, thành phố cần nghiên cứu giải pháp để hạn chế hiện tượng này, cũng như giải pháp điều tiết nước tại khu vực sân bay nhằm hạn chế lưu lượng nước từ sân bay đổ về các khu vực lân cận khi có mưa gây ngập úng. Tăng cường công tác nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thoát nước hiện hữu theo phân cấp.
Các chuyên gia cho rằng, thành phố Đà Nẵng cần sớm hoàn thành cắm mốc ranh giới hành lang thoát lũ cho các lưu vực sông Đà Nẵng; xem xét đánh giá thẩm định thẩm tra kỹ các công trình giao thông gây cản trở dòng chảy lũ. Đồng thời, đánh giá chuẩn xác hơn các đồ án thiết kế quá trình thẩm định, thẩm tra các dự án thoát nước Đà Nẵng cần mở rộng, bố trí thêm nhiều cửa xả ra các sông, biển như mở các vị trí trên các tuyến đường Phùng Hưng/Hồ Quý Ly Lý Thái Tông, vị trí Hà Khê ra biển, cửa xả đoạn từ Trần Thị Lý đến công viên Châu Á...
Thành phố cần phân vùng thoát nước theo các lưu vực cho hợp lý, phân chia lại trục thoát nước khu tượng đài 2/9, đường Núi Thành, đường 30/4, Phan Đăng Lưu...Mặc dù hệ thống cống thượng lưu có khả năng thoát nhưng lại bị ứ đọng tại các cửa thoát dẫn đến ngập như tại các cửa thu trạm bơm Ông Ích Khiêm, trạm bơm Thuận Phước... Bên cạnh đó, cần đánh giá lại hiệu quả các trạm bơm ứng với giai đoạn hiện nay, xem xét lại mực nước và lưu lượng đổ về của các trạm bơm,
Thông tin từ Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, hiện các khu vực có cao độ thấp hơn mực nước khống chế gồm: Khu vực ven sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện; Khu vực ven sông Cu Đê; Khu vực ven sông Cẩm Lệ, Vĩnh Điện, Túy Loan Huyện Hòa Vang. Ngập toàn bộ các khu vực ở phía Nam, bao gồm các xã Hòa Tiến, Hoa Châu, Hòa Phước và 1 phần xã Hòa Nhơn, Hòa Khương.
Về định hướng giải pháp về cao độ nền, Sở Xây dựng thành phố cho biết, đối với những khu vực đô thị cũ như Hải Châu, Thanh Khê và những khu vực đô thị mới đã được xây dựng (thuộc các quận Liên Chiểu, Nam Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), cần giữ lại cao trình hiện trạng, tuy nhiên cần có giải pháp nâng cao độ các kè hiện trạng dọc sông Hàn, sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Cu Đê, Vĩnh Điện lên đến cao độ mực nước khống chế, kết hợp với giải pháp bố trí trạm bơm và hồ điều tiết.
Đối các khu vực dân cư giữ lại chỉnh trang và khu vực quy hoạch đô thị mới thuộc huyện Hòa Vang, định hướng giải pháp bố trí đê bao dọc các sông Túy Loan, sông Yên, sông Cu Đê, sông Vĩnh Điện. Khu vực trong đê, cốt nền xây dựng tối thiểu P=5% kết hợp giải pháp bố trí hồ điều tiết kết hợp trạm bơm chống ngập. Riêng đối với các khu vực đồi núi cao thì cao độ cơ bản bám theo địa hình hiện trạng, tránh đào sâu, phá vỡ cảnh quan tự nhiên.
Địa phương này triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong hạ tầng thoát nước đô thị tại thành phố.
Theo đánh giá của Sở Xây dựng thành phố cùng với những bất cập trong hạ tầng thoát nước, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn hạn chế như: hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước, hố ga, qua cống làm giảm khả năng thoát nước. Tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy
Bên cạnh đó, các khu vực vùng ven có tình trạng xây dựng nhà trái phép (trên đất nông nghiệp trước đây), không được quy hoạch bài bản, hạ tầng kỹ thuật chưa thể đầu tư đồng bộ, một số khu vực không có hệ thống cống thoát nước và có địa hình thấp trũng nên mưa lớn đã xảy ra tình trạng ngập. Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ người dân còn tình trạng xả rác xuống cống thoát nước hoặc tự ý che đậy, cải tạo làm lấp các cửa thu nước, giảm khả năng thu nước. Đặc biệt, nhiều đơn vị trong quá trình thi công cải tạo hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường không khơi thông, dọn dẹp xà bần, giá hạ sau khi hoàn thiện, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước của cống
Từ thực tế trên, giải pháp trước mắt trước mỗi trận mưa lớn sẽ thực hiện phương án thoát nước tạm theo phân cấp quản lý, đặc biệt tại những khu vực dân cư hiện trạng chỉnh trang, các tuyến đường trung tâm thành phố bị ngập úng cục bộ. Đối với các vị trí ngập úng do ảnh hưởng của các dự án, công trình đang triển khai thi công sẽ bố trí nhân viên thường xuyên túc trực tại công trình, triển khai thực hiện phương án xử lý đảm bảo thoát nước tạm thời cho các khu vực đang thi công dở dang, chưa được đấu nối thoát nước hoàn chỉnh, bị ngập úng hoặc có nguy cơ ngập úng.
Tiếp tục rà soát, nghiên cứu cải tạo cửa thu nước hiện trạng theo hướng bảo đảm mỹ quan đô thị, nâng cao khả năng thu nước và giảm tác động đến người dân do mùi hôi phát sinh từ các cửa thu, đề xuất triển khai thí điểm trong tháng 11/2023. Khẩn trương rà soát tình hình vận hành các trạm bơm chống ngập, nêu rõ các hạn chế hiện nay (nếu có) và đề xuất giải pháp phù hợp. Mua sắm bổ sung máy bơm, máy phát điện dự phòng và các trang thiết bị phục vụ công tác chống ngập úng đô thị nếu thấy cần thiết.
Phối hợp với các quận, huyện tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân không bịt cửa thu nước gây cản trở dòng chảy và chung tay với chính quyền trong công tác khơi thông dòng chảy khi có mưa lớn xảy ra. Xem xét đưa tiêu chí này vào công tác thi đua khen thưởng hằng năm tại các phường, tổ dân phố để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đổ chất thải xây dựng vào hệ thống thoát nước.
Thùy Linh
Bình luận