Hotline: 0941068156
Thứ ba, 01/04/2025 21:04
Thứ sáu, 28/03/2025 06:03
TMO - Nhóm sinh viên thuộc các trường Đại học trên địa bàn TP. HCM đã nghiên cứu và chế tạo thành công viên nén sinh khối từ vỏ tỏi. Đáng chú ý, viên nén này có lượng khí CO2 thải ra môi trường giảm khoảng 80%.
Viên nén mang tên NIION là sản phẩm của nhóm sinh viên Đại học Công thương, Kinh tế, Bách khoa TP. HCM, Vin Uni và Cao đẳng Conestoga (Canada). Theo chia sẻ của trưởng nhóm dự án cho biết, viên nén sinh khối carbon hoá từ vỏ tỏi có ba công dụng chính là làm mồi lửa, than nướng và sử dụng trong y tế công cộng. Thậm chí sau khi đốt, phần tro còn có thể dùng làm phân bón hữu cơ. Viên nén có thể dùng trong những trường hợp khẩn cấp như lũ lụt, không có điện, không có đèn dầu, sản phẩm này khi đốt lên có thể vừa đuổi côn trùng, giảm tối đa tình trạng sốt xuất huyết.
Chia sẻ thêm về ý tưởng này, trưởng nhóm dự án cho biết, sau khi sơ chế nông sản sẽ thải lượng vỏ tỏi thừa. Bên cạnh đó phải chi số tiền khá lớn để xử lý rác thải này bởi vỏ tỏi không thể chôn lấp được do có kháng sinh tự nhiên. Do đó, với ý nghĩ làm sao tận dụng được lượng vỏ tỏi này mà không ảnh hưởng đến môi trường vừa tạo ra giá trị kinh tế đã thôi thúc nhóm nghiên cứu triển khai dự án.
Để làm ra một viên nén nhỏ hơn 12g với thời gian cháy từ 10-15 phút, nhóm đã cất công tìm hiểu cũng như thử kết hợp vỏ tỏi với nhiều nguyên liệu khác nhau. Với vỏ tỏi, nhóm đã tìm kiếm và thu gom từ chợ, các công ty gia vị, xưởng chế biến nông sản, sau đó làm sạch, phơi khô, xay nhuyễn thành bột rồi kết hợp cùng các thành phần khác.
Từ những hợp chất ban đầu như cồn, sáp ong và cuối cùng là sáp đậu nành, cuối cùng nhóm chọn dùng sáp đậu nành để kết hợp vì thành phần này khi nóng chảy ở nhiệt độ 70-80 độ C không làm biến chất vỏ tỏi. Nhóm đã mất khoảng 3 tháng để đưa ra phương án tối ưu nhất, căn chỉnh từng thông số thành phần sao cho hợp lí nhất. Lãnh đạo Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, trường Đại học Công thương TP.HCM đánh giá, đây là một trong những sản phẩm mới lạ với thị trường trên thế giới. Mặc dù trên thế giới những viên nén đã có nhiều, nhưng làm từ vỏ tỏi thì vẫn chưa.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu này cũng được coi là dồi dào trên thị trường hiện nay. Hơn nữa, viên nén sinh khối carbon này không những có công dụng giúp giảm thiểu rác thải, giảm khí thải CO2, giảm ô nhiễm môi trường mà còn có thể sử dụng trong nhà hàng khách sạn dùng để nướng đồ ăn thay cho than như hiện nay, mang đi cắm trại, xua đuổi côn trùng.
Viên nén vỏ tỏi của nhóm nghiên cứu là sinh viên các trường Đại học tại TP. HCM. (Ảnh: LN).
Hiện thị trường xuất khẩu cũng quan tâm đến sản phẩm mồi đốt và đây cũng là hướng đi chính của sản phẩm này. Khi so sánh với than, than đá hoặc các sản phẩm hiện tại thì giá trị của sản phẩm này đã tốt hơn. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu vẫn cần nghiên cứu các thành phần để đảm bảo giữ được trị nhiệt cao, giảm thiểu tối đa nhất phát thải.
Bên cạnh đó nhóm còn có ý định phát triển thêm các sản phẩm khác trong tương lai. Dự kiến sản phẩm viên nén vỏ tỏi được bán với giá khoảng 15.000-20.000 đồng/ hộp, mỗi hộp 10 viên trọng lượng khoảng 125g. Nhóm cũng cho biết, sản phẩm vẫn còn cần thêm thời gian để hoàn thiện. Trước tiên là giảm tỷ lệ sáp đậu nành nhằm giảm giá thành bởi hiện nay tỷ lệ pha trộn vẫn còn hơi cao. Trong khi hiện nay giá 1kg sáp đậu nành là 175.000 đồng, còn 1kg vỏ tỏi khoảng 1.000 đồng.
Một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho hay, nhóm dự kiến cho ra thị trường 3 phiên bản viên nén vỏ tỏi, để phù hợp với các nhóm khách hàng. Cụ thể, viên nướng dành cho nhà hàng, gia đình để nướng thực phẩm. Viên nén sinh khối hướng đến làm chất đốt, sưởi ấm. Loại thứ ba có thêm tinh dầu, có công dụng đuổi muỗi, xông hương. Mỗi hộp 10 viên trọng lượng khoảng 125g, giá bán dự kiến khoảng 15.000-20.000 đồng. Nhóm cũng tính làm thêm viên có kích thước nhỏ hơn, giá 500 đồng hoặc viên lớn để kéo dài thời gian cháy lên 180 phút.
Việc phát triển sản phẩm viên nén vỏ tỏi này của nhóm sinh viên đã mở ra nhiều cơ hội mới góp phần giải quyết bài toán về năng lượng xanh, giảm thiểu phát thải, giảm khí cacbon, giảm ô nhiễm môi trường, tăng thêm giá trị sản phẩm nông sản.
Thu Thuỳ
Bình luận