Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 12:01
Thứ bảy, 04/06/2022 10:06
TMO - Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn kéo dài, dông lốc đặc biệt vào thời điểm mùa nước lên tác động lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Nhằm giảm thiểu những thiệt hại từ các yếu tố bất lợi của thời tiết, ngành thủy sản An Giang triển khai nhiều giải pháp, chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả với diễn biến này.
Theo đánh giá của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, năm 2022, tình hình thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, mưa trái mùa, mùa mưa đến sớm, mưa kèm theo giông, lốc, sét thường xuyên xảy ra.
Mùa lũ 2022 trên sông Mekong khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng chưa có dấu hiệu xuất hiện lũ lớn; khu vực đầu nguồn sông Cửu Long và nội đồng Tứ giác Long xuyên, mực nước cao nhất năm có khả năng ở mức trên báo động 1. Diễn biến thời tiết bất thường, cực đoan, đặc biệt vào thời điểm con nước “quay” rằm tháng 5 sẽ ảnh hưởng lớn đến thủy sản lồng, bè.
Trước dự báo trên, Sở NN&PTNT An Giang vừa có Văn bản 872/SNNPTNT-CCTS gửi UBND huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị chuyên môn, các cơ sở nuôi thủy sản về tăng cường công tác quản lý thủy sản nuôi và phòng, chống dịch bệnh thủy sản trong mùa nắng nóng, mưa, lũ.
UBND tỉnh đề nghị Sở NN&PTNT, các địa phương chủ động phương án ứng phó với thời tiết bất thường trong nuôi trồng thủy sản
Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo việc hướng dẫn, tuyên truyền cơ sở nuôi, hộ nuôi, doanh nghiệp nuôi thủy sản trên địa bàn thực hiện đăng ký nuôi đối tượng chủ lực (cá tra), đăng ký nuôi lồng, bè theo quy định; Quy chuẩn Việt Nam 02-22:2015/BNNPTNT về “Cơ sở nuôi cá lồng, bè nước ngọt - Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”.
Đồng thời, chủ động rà soát hiện trạng, tổ chức kiểm đếm số lượng lồng, bè hiện có tại địa phương; xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp, di dời, tháo dỡ những lồng, bè không theo quy định. Qua đó, sẽ giảm tải số lượng, mật số lồng, bè neo đậu tại các tuyến sông trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố, hạn chế giảm mối nguy cho nuôi cá lồng, bè do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, môi trường bất lợi.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nắng nóng, mưa lũ bất thường xảy ra trên địa để tổ chức hoạt động sản xuất nuôi thủy sản thích ứng.
Bên cạnh đó, chỉ đạo cho cơ quan, đơn vị chuyên môn trực thuộc triển khai, hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện, tuân thủ những thông tin, bản tin khuyến cáo cảnh báo quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung (bao gồm các khu vực nuôi cá lồng, bè) của ngành nông nghiệp, ngành tài nguyên và môi trường, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K).
UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho các cơ sở nuôi trên địa bàn chủ động trong phòng, chống dịch bệnh thủy sản trong tình thời tiết cực đoan (nắng nóng, mưa kéo dài bất thường, giông lốc…), đặc biệt thời điểm con nước “quay” ngày 15/5 (âm lịch) tới, theo hướng dẫn chuyên môn của Chi cục Thủy sản An Giang.
Tỉnh An Giang yêu cầu các đơn vị chú trọng đảm bảo an toàn tại các khu vực nuôi lồng bè
Ngoài ra, chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan trực thuộc chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản An Giang thực hiện việc giám sát chủ động dịch bệnh thủy sản, quan trắc môi trường để kịp thời cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp xử lý hiệu quả.
Tăng cường quản lý chất lượng nguồn nước cấp, hướng dẫn xử lý nước thải, chất thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, không làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh; xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản để xuất khẩu.
Vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2022 trong nuôi trồng thủy sản. Xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, ứng phó hiệu quả với mưa, bão, lũ trong nuôi trồng thủy sản; tăng cường truyền tải thông tin về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai.
Đặc biệt, cần cử cán bộ bám sát địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi các biện pháp phòng chống trước khi có mưa bão: Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên liệu, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, tránh, khắc phục hậu quả của thiên tai như lưới, đăng chắn, dụng cụ, cọc tre, cuốc xẻng, máy phát điện, mô tơ quạt nước, vôi, tàu thuyền, phao cứu sinh….
Thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở… đảm bảo an toàn khi mưa, bão đến; bố trí khu neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng, khi cần thiết di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển).
Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn đảm bảo không có thiệt hại về người khi có thiên tai.
Hồng Quân
Bình luận