Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 24/11/2024 03:11
Thứ năm, 21/09/2023 14:09
TMO - Thời gian gần đây, nhiều loại chim trời di cư về những cánh đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để tìm kiếm thức ăn và trú ngụ, sinh sản. Tuy nhiên, vì nguồn lợi nhuận trước mắt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng đánh bắt, bẫy chim tự nhiên.
Hàng năm cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 sau nhiều đợt mưa kéo dài, nước trên sông suối, ao hồ, cánh đồng dâng cao, tạo nguồn thủy sinh phong phú. Những yếu tố đó đã thu hút nhiều loài chim di cư về những cánh đồng tại tỉnh Ninh Bình để trú ngụ, phổ biến nhất là cò trắng, chim vạc, cò bợ,… Vì thế một số người dân lợi dụng việc này để thực hiện việc đánh, bẫy các loài chim tự nhiên làm thức ăn và bán ra thị trường để kiếm lời.
Những con cò mồi giả xuất hiện trên các cánh đồng để thực hiện cho việc đánh, bẫy chim tự nhiên.
Ghi nhận của phóng viên tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường tại những cánh đồng thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư có thể thấy tại đây có thể bắt gặp nhiều đàn cò trắng, cò bợ,.. làm bằng xốp và những con chim thật để làm mồi dụ. Các hình thức bẫy, bắt chim chủ yếu là dùng bẫy kẹp, bẫy keo dính, lưới giăng và các vật dụng khác như máy thu phát âm thanh để bẫy bắt chim trời.
Đối với những con cò thật thường bị buộc dây vào chân. Những con cò thật này thường giãy giụa, phát ra tiếng kêu để dụ đồng loại xuống.
Người dân địa phương cho biết, vào thời điểm này, trên những cánh đồng, bẫy que, bẫy lưới giăng dày đặc ngày đêm. Sáng sớm, những đối tượng bắt thường đi dọc bờ ruộng gỡ chim sa bẫy, bẻ cánh, bỏ vào bao, giao cho mối lái mang đến bán tại các khu chợ, nhà hàng, quán ăn...
Đây là việc làm mang tính chất mùa vụ, nhưng lại đang gây ra nhiều hậu quả về môi sinh, môi trường, đặc biệt là trong việc bảo vệ đàn chim, cò tự nhiên đang ngày càng hiếm dần. Nạn săn bắt chim trời mùa di cư gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của một số loài chim hoang dã, làm mất cân bằng sinh thái, phá hoại cảnh quan môi trường… Vì thế, cần có sự chung tay của người dân cũng như của các cơ quan chức năng cần quan tâm, tuyên truyền, vận động người dân không đánh bắt, bẫy các loài chim tự nhiên để đảm bảo cho hệ sinh thái phát triển bền vững.
Lán trại được dựng lên để phục vụ cho việc đánh bẫy chim tự nhiên.
Nghị định số 06/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ban hành ngày 22/9/2021 và Nghị định số 35/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 đã quy định nguyên tắc quản lý và chế độ xử phạt với các vi phạm liên quan đến chim hoang dã và chim di cư.
Cụ thể, Nghị định 06 lần đầu tiên đưa ra định nghĩa “động vật hoang dã, thực vật hoang dã”, trong đó nhận định động vật hoang dã bao gồm cả các loại động vật trên các khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư, trừ một số loài thuộc danh mục do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan công bố.
Hiện nay, không có loài chim hoang dã nào được liệt kê trong Quyết định 4737/QĐ-BNN-TCLN về danh mục loài động vật trên cạn khác thuộc lớp chim, thú, bò sát, lưỡng cư không thuộc đối tượng quản lý động vật hoang dã. Như vậy, với quy định này, tất cả các loài chim hoang dã, chim di cư đều được xác định là động vật hoang dã thuộc nhóm loài động vật trên cạn khác (nếu không phải là động vật rừng thông thường).
Theo đó, chế độ quản lý và xử phạt vi phạm đối với loài chim hoang dã, chim di cư này sẽ được áp dụng tương tự như đối với loài động vật rừng thông thường (khoản 5, Điều 40, Nghị định 06 và khoản 4, Điều 6, Nghị định 35). Như vậy, hành vi săn, bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép chim hoang dã, chim di cư và tàng trữ, vận chuyển, buôn bán cá thể, bộ phận cơ thể, sản phẩm các loài chim hoang dã, chim di cư có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 300 triệu đồng đối với cá nhân hoặc 600 triệu đồng đối với tổ chức theo quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định 35.
Nhằm tăng cường các giải pháp bảo tồn các loài chim hoang dã, chim di cư, Ngày 17/05/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg (gọi tắt Chỉ thị 04) về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Chỉ thị 04 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan, ban, ngành trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trái phép chim hoang dã.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin, phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyên truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư; tuyên truyền người dân không tham gia các hoạt động săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các sản phẩm của chúng. Chỉ thị nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong công tác kiểm soát hoạt động quảng cáo các sản phẩm, công cụ săn, bắt, bẫy chim hoang dã, di cư như: lưới, súng săn, tự chế…
Minh Anh
Bình luận