Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 15/12/2024 02:12
Thứ năm, 17/08/2023 19:08
TMO – Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành ở cả Trung ương và địa phương, thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật được hoàn thiện, tổ chức bộ máy được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong ứng phó với BĐKH. Qua đó, khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành ngày 3/6/2013. Về nội dung chủ động ứng phó với BĐKH, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản chủ động thích ứng với BĐKH, phòng tránh thiên tai, yêu cầu giảm mức phát thải khí nhà kính (KNK) trên đơn vị GDP từ 8 - 10% so với năm 2010, hướng đến năm 2050 Việt Nam chủ động ứng phó với BĐKH và các mục tiêu cụ thể khác phục vụ phát triển bền vững của đất nước.
BĐKH đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải KNK theo cam kết quốc tế. Trong bối cảnh đó, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 24-NQ/TW thời gian tới cần được làm rõ, bổ sung phù hợp với tình hình quốc tế, đồng thời đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn phát triển của đất nước.
Áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp giúp nâng cao chất lượng và giảm phát thải.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong chủ động ứng phó BĐKH, các chuyên gia đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH; tăng cường truyền thông tạo sự thống nhất cao về thực hiện các cam kết ứng phó với BĐKH; hướng dẫn các địa phương, cơ sở triển khai thực hiện các quy định về giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH. Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư cho hạ tầng thích ứng BĐKH, phòng chống thiên tai và nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với các thiên tai do ảnh hưởng của BĐKH. Nâng cao khả năng phòng chống thiên tai của đất nước, đặc biệt là các khu vực dễ bị tổn thương cao như vùng ĐBSCL, khu vực ven biển miền Trung, miền núi phía Bắc.
Kiểm soát tốt nguồn phát thải KNK lớn trên phạm vi toàn quốc. Thực hiện kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính của các lĩnh vực theo lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm kê KNK và giảm phát thải KNK đối với các cơ sở, doanh nghiệp và tăng số cơ sở phát thải phải thực hiện kiểm kê KNK theo lộ trình. Triển khai áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến về thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon, phát triển năng lượng mới.
Tập trung triển khai Kế hoạch quốc gia về quản lý, loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozon, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát theo lộ trình thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozon; xây dựng và thực hiện chiến lược làm mát đô thị ở Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu cam kết.
Thiết lập và vận hành hiệu quả thị trường các-bon trong nước và kết nối thị trường carbon khu vực và thế giới. Huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các hoạt động thích ứng, các dự án đầu tư chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ carbon thấp, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực từ các hợp tác song phương và đa phương cho các hoạt động thích ứng với BĐKH, giảm phát thải KNK.
PV
Bình luận