Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 10:01
Thứ ba, 05/12/2023 07:12
TMO - Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó của các đơn vị trực thuộc, sẵn sàng phòng chống kịp thời khi có bão, lũ xảy ra; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập phòng chống cứu hộ, cứu nạn.
Thông tin từ Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, trong hai năm 2021, 2022 và 10 tháng của năm 2023 diễn biến thời tiết và thiên tai phức tạp, đặc biệt năm 2022 có 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có khoảng 4 cơn bão có ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đặc biệt là cơn bão số 4 đến số 7, đã ảnh hưởng đến khu vực miền Trung và khu vực đồng bằng Bắc Bộ, gây ra mưa to, gió lớn, lũ quét và sạt lở đất gây thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng giao thông thủy nội địa. Với việc chủ động triển khai các phương án ứng phó từ trước nên các cơn bão, lũ đã gây ra thiệt hại về kết cấu hạ tầng giao thông thủy không lớn.
Cũng trong khoảng thời gian trên, Cục Đường thủy nội địa cho biết đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đâm va liên quan đến phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB (sông pha biển). Điển hình là tại Quảng Nam, tàu Phương Đông 05 tự gây tai nạn làm chết 17 người, phương tiện hỏng nặng; tàu Thịnh Long 68 va chạm và làm chìm tàu cá QNg-91426TS, làm chết 3 người. Tại Hải Phòng, tàu Hồng Vân 89 va chạm và làm chìm tàu Mạnh Đạt 01 biển Cửa Cái, làm một người chết; tại Ninh Thuận, tàu Hải Đạt 36 va chạm và làm chìm tàu Phúc Tình 26, thiệt hại 3.260 tấn tôn cuộn cán thép…
Công tác chủ động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các lực lượng chức năng tại các địa phương chú trọng triển khai.
Thực trạng này cho thấy, quá trình phối hợp kiểm tra, khảo sát của các lực lượng liên ngành trong năm 2022 đối với hoạt động của phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB đã nổi lên các bất cập cần được khắc phục. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cảng, bến thủy nội địa còn hạn chế, từ phương tiện công vụ, trang thiết bị liên lạc, công cụ, thiết bị quản lý như VHF, AIS, thiết bị quan trắc khí tượng, thủy văn, phần mềm quản lý chuyên môn…
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thiên tai đồng thời thực hiện hiệu quả mục tiêu tìm kiếm cứu nạn đường thủy, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam xác định chủ động phòng ngừa ứng phó với thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, năm 2022 và 10 tháng năm 2023, Cục tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và thực hiện tốt nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải giao trong công tác tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng diễn biến khí hậu khó lường giai đoạn hiện nay.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có văn bản đề nghị các Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Sở GTVT ủy thác, Cảng vụ Đường thủy nội địa địa phương, các đơn vị Quản lý bảo trì và các đội xung kích sẵn sàng ứng cứu trong mọi tình huống, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ; bão, lụt, sự cố thiên tai, thảm họa và tai nạn xảy ra ở địa bàn thuộc đơn vị nào quản lý, thì đơn vị đó phải chủ động chỉ đạo đội xung kích, huy động các lực lượng của đơn vị thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt, bão, sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đồng thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên theo quy định.
Cục Đường Thủy nội địa cùng đồng thời trang bị đầy đủ trang thiết bị, thông tin liên lạc đảm bảo an toàn cho ứng phó thiên tai: áo phao, giày, mủ, súng bắn dây, đèn pin, điện thoại vệ tinh, thiết bị liên lạc sóng ngắn..., thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đối với các vị trí cầu cống, các công trình hạ tầng giao thông thủy nội địa là các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, kiểm tra, hướng dẫn, hạn chế người và phương tiện lưu thông qua khu vực (không để phương tiện đậu đỗ khu vực cầu cống gây nguy hiểm khi có bão lũ xảy ra), tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, để kịp thời ứng phó thiên tai. ây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Công ước SAR79 (Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979).
Trước đó (8/2023), hội nghị tuyên truyền công các phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đường thủy nội địa được tổ chức tại Hải Phòng đã tập huấn cho 250 học viên đến từ các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh ven biển, ban, ngành, doanh nghiệp; các chi cục đường thủy nội địa khu vực I, III; các cảng vụ đường thủy nội địa khu vực I, I, III, IV và các thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên... Qua đó, trang bị những nội dung, kỹ năng, thực hành các tình huống khẩn cấp; cách thức sử dụng, khai thác các loại trang, thiết bị trên phương tiện thủy nội địa và chuẩn bị lực lượng "4 tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra, nhằm góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại.
Cụ thể, các cán bộ quản lý, thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên được trang bị các kiến thức, kĩ năng về các nội dung chính như: Quản lý rủi ro VR-SB hoạt động trên biển - vùng nội thủy; Tránh va cho tàu mang cấp VR-SB trên biển - vùng nội thủy; công tác điều khiển để thoát khỏi vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới nguy hiểm trên biển - vùng nội thủy; duy trì sự sống trên biển - vùng nội thủy khi xảy ra tại nạn. Cùng với đó hướng dẫn xây dựng các phương án: nhiệm vụ cứu sinh, cứu hỏa; xây dựng phương pháp cứu thủng vùng thủy nội địa, phương pháp cứu người rơi xuống nước. Hướng dẫn sử dụng, khai thác hiệu quả các thiết bị vô tuyến điện thông thường và sử dụng hiệu quả các thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp khẩn cấp trên phương tiện thủy.
Cục Đường thủy nội địa yêu cầu các địa phương triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thủy nội địa.
Thời gian qua, Cục đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn lĩnh vực đường thủy nội địa, được các địa phương đánh giá cao. Theo đó, đã thực hiện kiểm tra và tập huấn, huấn luyện cho 28 tỉnh trọng điểm ven biển; bổ sung kiến thức cho trên 800 người là đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các địa phương; bồi dưỡng kiến thức cho các doanh nghiệp vận tải, các chủ tàu và thuyền trưởng.
Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đường thủy, Cục Đường thủy nội địa đề nghị các cơ quan quản lý phải thực hiện tuyên truyền, đồng thời thực hiện kiểm tra, rà soát, đảm bảo các phương tiện tàu khách, phương tiện thủy vận tải thủy, đặc biệt là phương tiện VR-SB đầy đủ trang thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu nạn theo quy định. Thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên buộc phải nắm được các nội dung phương án tập luyện và phải sử dụng thành thạo trang thiết bị vô tuyến điện được trang bị trên tàu… Trường hợp có trang bị đầy đủ theo quy định nhưng không biết hoặc không nắm được việc sử dụng trang thiết bị được trang bị trên tàu thì cơ quan chức năng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tước giấy phép hoặc cấm các phương tiện này tham gia giao thông thủy khi không đảm bảo an toàn.
Hải Nam
Bình luận