Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ ba, 15/11/2022 21:11
TMO - Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa với chiều dài đường bờ biển dài hơn 3200 km, công tác dự báo biển, dự báo nước dâng do bão luôn là một trong những thách thức đối với ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam. Do đó, tăng cường năng lực dự báo biển luôn là một trong những ưu tiên phát triển của Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Tại Hội thảo dự báo biển tại Việt Nam năm 2022, với chủ để “Mô hình dự báo sóng và quỹ đạo đại dương”, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ tích cực của Bộ Ngoại giao Na Uy, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam, Tổng cục đã hợp tác với Cơ quan Khí tượng Na Uy thực hiện rất nhiều các hoạt động hợp tác nhằm tăng cường năng lực cho các cán bộ của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam. Trong đó, Cơ quan Khí tượng Na Uy đã hỗ trợ các cán bộ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn khai thác, sử dụng phần mềm phục vụ dự báo Diana, mô hình dự báo biển ROMS và hiện đang được áp dụng phổ biến.
Bên cạnh đó, mô hình dự báo biển ROMS3D, phần mềm DIANA, Mô hình Wavymini kiểm nghiệm dự báo sóng bằng các sản phẩm vệ tinh và gần đây là mô hình tràn dầu, mô hình đại dương, mô hình quỹ đạo đại dương do Cơ quan Khí tượng Na Uy chuyển giao và đào tạo sử dụng đã được đưa vào tác nghiệp tại Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, và hiện đã được mở rộng sử dụng tại tất cả các Đài KTTV khu vực.
Nâng cao năng lực dự báo biển đặc biệt với hình thái sóng và đại dương được là một trong những ưu tiên phát triển của Tổng cục KTTV (Ảnh minh họa)
Đối với công tác dự báo biển tại Việt Nam, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết, đây là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn bởi hiện nay việc dự báo biển còn có ít trạm quan trắc, số liệu quan trắc dòng chảy chủ yếu bằng Rada nhưng độ bao phủ của radar hiện chỉ đáp ứng được một phần tại khu vực vịnh Bắc Bộ, các khu vực khác chưa có radar quan trắc dòng chảy. Ngoài ra, một số hiện tượng hải văn nguy hiểm như triều cường cao bất thường tại Trung Bộ, nước biển dâng cao bất thường tại Tây Nam Bộ chưa xác định được nguyên nhân, cơ chế để đưa ra các quy trình dự báo, cảnh báo.
Hiện nay Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ đang dự báo biển cho vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, khu vực Trường Sa và huyện đảo Phú Quý. Đài đang sử dụng phần mềm ROMs và mô hình SWAN của Viện Khí tượng Na Uy để dự báo sóng, dòng chảy; dự báo thủy triều từ mô hình Mike 21 kết hợp tham khảo các sản phẩm dự báo hải văn của Trung tâm dự báo KTTV quốc gia và Viện KTTV và Biến đổi khí hậu để ra bản tin. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác dự báo biển là các trạm quan trắc sóng ở khu vực còn thưa, công nghệ, công cụ dự báo biển của Đài KTTV khu vực và các Đài KTTV tỉnh, thành phố còn hạn chế…
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dự báo, việc tăng cường năng lực dự báo sóng và quỹ đạo đại dương luôn là một trong những ưu tiên phát triển của Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Trong thời gian qua, với sự hợp tác, hỗ trợ của Cơ quan Khí tượng Na Uy, năng lực dự báo biển của các cán bộ dự báo hải văn tại Khí tượng Thủy văn đã từng bước được nâng cao.
Thanh Tùng
Bình luận