Hotline: 0941068156
Thứ ba, 21/01/2025 09:01
Chủ nhật, 24/12/2023 07:12
TMO - Thiên tai ở nước ta đang gia tăng về tần suất và cường độ. Do đó công tác dự báo đóng vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó và phòng chống thiên tai.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, thiên tai 2023 diễn biến rất phức tạp và nhiều hiện tượng cực đoan. Trong năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình thiên tai. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng tập trung vào các loại hình thiên tai như mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất.
Mưa lớn gây sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây Nguyên, trong đó sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc làm 3 chiến sỹ và 1 người dân bị vùi lấp; sạt lở tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 2 người chết, 5 người bị thương; ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực Bắc Bộ, trong đó lũ quét tại Sa Pa và Bát Sát, tỉnh Lào Cai làm 9 người chết, mất tích; 3 đợt mưa lớn tại khu vực miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích… Năm 2023 thời tiết chịu ảnh hưởng của El Nino nên bão ít hơn, nhưng xuất hiện nắng nóng đỉnh điểm và mưa lớn cục bộ. Cụ thể, ngày 6/6 Hồi Xuân (Thanh Hóa) nóng 44,1 độ C, vượt kỷ lục năm 2019 ở Hương Khê (Hà Tĩnh) 43,3 độ C. Chỉ một ngày sau, Tương Dương (Nghệ An) đã xác lập kỷ lục nhiệt độ mới 44,2 độ C.
Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, miền Trung xảy ra ba đợt mưa lớn làm 14 người chết và mất tích. Trong đó đợt 13-17/11, Thừa Thiên Huế có nơi mưa hơn 800 mm trong một ngày gây ngập sâu 2 m ở hạ lưu sông Hương và sông Bồ. Mực lũ ở trạm Kim Long, sông Phú Ốc lớn nhất trong 10 năm qua. Tại Đà Nẵng, đợt mưa ngày 10-17/10 với tổng lượng trên 1.300 mm cũng gây ngập lụt nghiêm trọng tại thành phố. Tổng cộng, từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, (bằng 95% so năm 2022). Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song công tác phòng chống thiên tai trên cả nước vẫn cần năng cao năng lực cảnh báo, dự báo.
Theo đánh giá của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, trong các đợt thiên tai lớn năm 2023, các địa phương đã chủ động triển khai ứng phó từ sớm, từ xa, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, một số nơi người dân vẫn còn chủ quan, xem nhẹ ảnh hưởng, mức độ nguy hiểm của thiên tai nên đã xảy ra những thiệt hại đáng tiếc về người khi đi qua các ngầm tràn, các con suối ngập sâu, nước chảy xiết và bị cuốn trôi, trẻ em bị đuối nước, bị lật ghe...
Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho rằng, cần hành động sớm để ứng phó thiên tai. Điều này thể hiện ở việc chuẩn bị sẵn sàng với các hoạt động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện và tổ chức diễn tập theo phương án đã phê duyệt; ban hành sớm các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai và thông tin đến các cấp chính quyền cơ sở và người dân để chủ động ứng phó.
Thiên tai đang gia tăng về tần suất và cường độ. Do đó công tác dự báo đóng vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó và phòng chống thiên tai. Thời gian gần đây, Ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam đã nỗ lực thay đổi công tác dự báo, phát triển theo hướng hiện đại hóa, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại. Qua đó giúp nâng cao được khả năng chất lượng dự báo, qua đó nâng cao năng lực cảnh báo các hệ quả liên quan gồm ngập lụt, lũ, lũ quét và sạt lở đất. Bản tin dự báo khí tượng thủy văn đa dạng hơn, thông tin dự báo chi tiết hơn, đã đưa cấp độ rủi ro thiên tai vào bản tin. Điều đó nâng cao hiệu quả phục vụ và từng bước tiến tới dự báo dựa trên tác động, cảnh báo dựa trên rủi ro.
Riêng đối với công tác dự báo, cảnh báo thì sự thay đổi đáng kể nhất là dự báo sớm hơn, dài hạn hơn, chi tiết hơn và tin cậy hơn. Cần thiết phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; đầu tư và phát triển hệ thống cảnh báo sớm hơn để cung cấp thông tin chính xác và kịp thời về thiên tai; tổ chức tập huấn cho người dân hiểu rõ về thông tin khí tượng thủy văn cần truyền tải trong các bản tin; xây dựng hạ tầng chống chịu; thiết kế và xây dựng hạ tầng đô thị và nông thôn chống chịu với điều kiện thiên tai cực đoan...
Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai cho biết, qua thực tiễn ứng phó với thiên tai năm 2023 cũng như những năm vừa qua rút ra một số kinh nghiệm như sau: Công tác dự báo, cảnh báo sớm về mưa lớn, lũ, ngập lụt thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Sơ tán kịp thời người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất (trong đợt mưa lũ tháng 11 vừa qua không có người chết, mất tích do việc không sơ tán kịp thời; chỉ có 2 người bị thương do sạt lở đất ở Thừa Thiên Huế).
Kiểm soát, hướng dẫn giao thông, tổ chức lực lượng canh gác và cắm biển cảnh báo tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ cao sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện lưu thông tránh những thiệt hại đáng tiếc. Chấp hành nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa trên lưu vực sông để vận hành đảm bảo an toàn công trình và giảm lũ cho hạ du. Thường xuyên rà soát, cập nhật lại các phương án để điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thức tế. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung cao điểm khi có thiên tai để nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu để cộng đồng chủ động chuẩn bị và ứng phó phù hợp với thực tiễn theo phương châm 4 tại chỗ, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đối với công tác dự báo khí tượng thủy văn đang được triển khai hiệu quả.
Trong những năm qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, dông, lốc, sét, sạt lở đất nhằm nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; xây dựng cơ sở dữ liệu Khí tượng Thủy văn để tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường; bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời với độ tin cậy chính xác cao, đặc biệt là thông tin, dữ liệu về nguy cơ xảy ra các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) nguy hiểm, bất thường.
Giai đoạn 2010 - 2023, mạng lưới trạm đã đầu tư phát triển gần 800 trạm/công trình/phương tiện đo KTTV. Tỷ lệ các trạm KTTV đã được tự động hóa khoảng gần 40%; đặc biệt các trạm đo mưa, bức xạ được đầu tư mới đã tự động 100%; trạm đo mực nước tự động chiếm 53% tổng số trạm. Chất lượng số liệu đo đạc, quan trắc KTTV luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV: Xây dựng được bộ công cụ, chương trình tính toán chỉ số SPI phục vụ giám sát hạn hán khí tượng hỗ trợ đưa ra các bản tin thông báo về phạm vi, cường độ, diễn biến hạn hán trên phạm vi toàn quốc. Triển khai trong nghiệp vụ các hệ thống mô hình dự báo số trị quy mô khu vực để tăng cường khả năng dự báo định lượng mang tính cực trị như mưa lớn, gió mạnh trong bão.
Năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS). Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Các dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp vào hệ thống gồm số liệu ước lượng mưa từ 10 ra đa, và hơn 1500 trạm mưa tự động, sản phẩm Nowcasting dự báo mưa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF đã được ứng dụng như một công cụ hỗ trợ cảnh báo.
Phương Dung
Bình luận