Hotline: 0941068156
Thứ ba, 26/11/2024 04:11
Thứ năm, 05/05/2022 16:05
TMO - Yên Bái là tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, núi cao, sườn dốc, hệ thống sông ngòi dày đặc nên tình hình thiên tai diễn ra rất phức tạp và bất thường. Nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do bão lũ gây ra, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều phương án, giải pháp cụ thể, để ứng phó kịp thời.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái, những năm qua, mưa bão đã làm nhiều tuyến đường tỉnh, huyện và quốc lộ trên địa bàn tỉnh bị sạt lở ta luy dương, sạt lở ta luy âm, hư hỏng nền, mặt đường, rãnh dọc... Năm 2021, khối lượng thiệt hại do mưa bão gây ra trên 3,18 tỷ đồng, trong đó: quốc lộ gần 1 tỷ đồng; đường tỉnh 2,24 tỷ đồng.
Bước vào mùa mưa bão năm nay, để chủ động phòng, chống thiên tai và ổn định hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường, đối với các tuyến đường đang triển khai thi công, Sở GTVT Yên Bái yêu cầu đơn vị thi công thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đường thi công, tuyệt đối không được để lầy lún và đất sạt lở gây tắc đường ở những đoạn đang thi công kể cả các đường tránh phục vụ thi công cầu, cống.
Ngành giao thông vận tải Yên Bái gia cố ta-luy dương trên tuyến đường Yên Bái – Lục Yên khi mùa mưa bão đến - Ảnh: Báo Yên Bái.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các công trình sửa chữa, nâng cấp, cải tạo. Kiểm tra hoạt động của các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, tình trạng máy móc thiết bị của các phương tiện giao thông thủy và các điều kiện phục vụ hành khách tham gia giao thông đường thủy, đặc biệt ở những khu có nhiều học sinh đi học qua sông bằng thuyền trước mùa mưa, bão…
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lâm Tuyết, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Yên Bái cho biết: Công tác ứng phó trong và sau khi bão, lũ xảy ra được ngành GTVT tỉnh đặc biệt quan tâm. Đối với các tuyến đường do Sở quản lý bị ảnh hưởng bởi sự cố thiên tai, bão lũ. Ngay sau khi xảy ra sự cố gây ách tắc giao thông, Sở chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị thi công hướng dẫn phân luồng, đặt biển báo ở hai đầu tuyến thông báo, cảnh báo nguy hiểm và thực hiện ngay công tác đảm bảo giao thông bước 1 (hót sụt ta-luy dương, dọn dẹp cây đổ) để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn.
Đối với các vị trí sạt lở ta-luy âm, hư hỏng nền, mặt đường, hư hỏng công trình thoát nước..., Sở chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương tổ chức thi công đảm bảo thông tuyến trong thời gian ngắn nhất. Các tuyến đường do các huyện, thị xã, thành phố quản lý bị thiệt hại lớn, mức độ phức tạp, Sở sẽ phối hợp cùng các cấp, các ngành, địa phương kiểm tra và xây dựng phương án khắc phục, xử lý…
Huyện Trấn Yên là địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân cũng như các công trình thủy lợi, giao thông và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Qua rà soát, thống kê trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện có 1.806 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh thiên tai, gồm: 1.054 hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở đất; 106 hộ sống trong vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét; 604 hộ sống trong vùng nguy cơ ngập úng...
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão lũ gây ra, 21 xã, thị trấn đã thành lập và kiện toàn lực lượng xung kích Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) là 190 tổ, với 1.836 người tham gia. Xây dựng và điều chỉnh bổ sung Kế hoạch PCTT&TKCN năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng Kế hoạch PCTT&TKCN giai đoạn 2021 – 2025.
Lực lượng chức năng khơi thông điểm sạt lở trên tuyến đường giao thông ở xã Hồng Ca - Ảnh: Báo Yên Bái.
Xây dựng phương án ứng phó rủi ro thiên tai theo từng cấp độ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN đảm bảo kịp thời; tổ chức lực lượng, triển khai công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương án đã lập để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra.
Trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra tại địa phương, cấp huyện, cấp xã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch và phương án phòng, chống, ứng phó với các loại hình thiên tai phù hợp với điều kiện thực tế.
Các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, rà soát chi tiết đến từng hộ dân sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tổ chức quán triệt và thông báo đến tất cả các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao bị sạt lở đất nắm bắt thông tin kịp thời và chủ động di dời trước các đợt mưa lớn trên diện rộng. Duy trì chế độ trực, chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên địa bàn.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, các phương tiện, trang thiết bị để tham gia kịp thời, có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, sơ tán dân khi xảy ra thiên tai, đặc biệt là tại các khu vực xung yếu (vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ven sông, suối vùng trũng thấp…).
Thiên Trường
Bình luận