Hotline: 0941068156
Thứ bảy, 23/11/2024 05:11
Thứ hai, 08/08/2022 20:08
TMO - Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác. Qua đó, Việt Nam được giao là Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á.
Ngày 8/8, tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ), lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (VNMHA - Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SEAFFGS) đã diễn ra.
Việc tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á mà WMO tin tưởng giao Tổng cục Khí tượng Thủy văn đảm nhiệm.
Đây là hoạt động quan trọng trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét sạt lở đất cho Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, góp phần xây dựng kinh tế-xã hội khu vực Đông Nam Á bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Hoạt động này là sự ghi nhận vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn.
Việt Nam đảm nhiệm vai trò trung tâm vùng trong công tác dự báo sạt lở, lũ quét
Trước thực trạng thiệt hại về người và tài sản ngày càng gia tăng, thảm khốc do sự xuất hiện của các hiểm họa khí tượng thủy văn, Đại hội Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) lần thứ 15 đã thông qua Nghị quyết 21 về nâng cao năng lực của các Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (NMHS).
Nghị quyết nhằm hỗ trợ các Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn các quốc gia cùng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kịp thời, chính xác hơn trong dự báo và cảnh báo lũ lụt; hợp tác với các nhà quản lý thiên tai, tích cực trong việc chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp lũ lụt, thông qua Sáng kiến Dự báo Lũ lụt (FFI). Nghị quyết cũng thông qua việc triển khai Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS) với Dự án Bao phủ toàn cầu.
Cuộc họp lên kế hoạch ban đầu của Hệ thống Hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS) được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam, từ ngày 20-23 tháng 11 năm 2017, với sự tham dự của đại diện Cơ quan Khí tượng Thủy văn Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Các thành viên tham gia đều ủng hộ đề nghị Việt Nam trở thành Trung tâm khu vực của dự án SEAFFGS, có vai trò quan trọng trong các hoạt động chung của dự án nhằm cho phép các NMHS tham gia cung cấp những dự báo và cảnh báo kịp thời, chính xác về các hiểm họa khí tượng thủy văn, đặc biệt là lũ lụt.
Với vai trò Trung tâm vùng, Việt Nam sẽ quản lý 2 máy chủ đặt tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực duy trì đường truyền, dữ liệu, bảo trì, vận hành hệ thống để cung cấp dữ liệu và trao đổi cho các Trung tâm Khí tượng Thủy văn tại khu vực Đông Nam Á, chịu trách nhiệm phối hợp với các nước thành viên trong khai thác và sử dụng các sản phẩm của SEAFFGS nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở.
Trung tâm khu vực có trách nhiệm hỗ trợ các nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển và triển khai dự án SeAFFGS. Những trách nhiệm này bao gồm hỗ trợ thu thập dữ liệu khí tượng thủy văn lịch sử và dữ liệu không gian (GIS) cần thiết cho việc phát triển hệ thống cho các quốc gia thành viên; hỗ trợ điều phối các đánh giá theo quốc gia cụ thể về các loại sản phẩm và dữ liệu được sử dụng trong quá trình phát triển hệ thống.
Đồng thời, Trung tâm khu vực phối hợp với các đối tác dự án Hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS) và các Cơ quan Khí tượng Thủy văn tham gia trong Khu vực Đông Nam Á duy trì một đầu mối cho tất cả các vận hành và hoạt động; Trung tâm khu vực cũng sẽ cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thích hợp để duy trì, vận hành phần cứng tính toán hệ thống SeAFFGS được sử dụng để phát triển và phổ biến các sản phẩm đồ họa và dữ liệu cho quốc gia và khu vực cho Cơ quan Khí tượng Thủy văn ở khu vực Đông Nam Á...
Thùy Minh
Bình luận