Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 11:11
Thứ năm, 30/06/2022 20:06
TMO - Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đang triển khai thực hiện Kế hoạch số 633/KH-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng về Phát triển hệ thống cấp nước, nâng cao tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch tại các đô thị và tỷ lệ dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh tại nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2022.
Theo đó, tỉnh Cao Bằng tập trung thực hiện 6 dự án cấp nước sạch đô thị đang triển khai, tổng mức đầu tư hơn 206 tỷ đồng đảm bảo đúng tiến độ, gồm các dự án: Cấp nước sinh hoạt thị trấn Xuân Hoà và xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, công suất 2.000m3 nước/ngày đêm, tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng; Cấp nước sinh hoạt thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, công suất 1.700m3/ngày đêm, mức đầu tư 42,43 tỷ đồng.
Cải tạo, nâng công suất nhà máy nước Sông Bằng, thành phố Cao Bằng, công suất 20.000m3/ngày đêm, mức đầu tư 40 tỷ đồng; Cải tạo các tuyến ống cấp II, cấp III khu vực thành phố Cao Bằng, mức đầu tư 17 tỷ đồng; Xây dựng nhà máy cấp nước sạch thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh, công suất 3.000m3/ngày đêm, mức đầu tư 50 tỷ đồng.
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị đảm bảo vận hành các công trình cấp nước sạch tại địa phương
Đồng thời thực hiện Dự án mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch thị trấn Nước Hai, huyện Hoà An đảm bảo tăng tỷ lệ dân cư đô thị thị trấn Nước Hai được sử dụng nước sạch từ 64,62% (năm 2021) lên 68,45% (năm 2022); chỉ đạo các nhà thầu thi công các dự án cấp nước sinh hoạt đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.
Để các công trình phát huy hiệu quả, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thường xuyên tổ chức lồng ghép nội dung cấp nước an toàn trong các lớp tập huấn quản lý, vận hành hằng năm trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền hướng dẫn các hộ sử dụng bình lọc, giữ gìn vệ sinh nguồn nước nhỏ lẻ…, qua đó đã góp phần nâng tỷ lệ số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng lên hơn 91%.
Cao Bằng đặt mục tiêu hết năm 2022, có 88% người dân đô thị được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, đến năm 2025 đạt 100%, với tiêu chuẩn cấp nước sạch đô thị bình quân 120 lít nước/người/ngày đêm.
Đồng thời, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh lên 92%, đến năm 2025 lên 95%, với tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt nông thôn bình quân 60 lít nước/người/ngày đêm. Chất lượng nước đạt quy chuẩn tại các công trình cấp nước liên tục 24 giờ một ngày.
Từ các nguồn vốn như chương trình 135, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình nước sạch… nhiều năm qua, các địa phương đã tập trung nguồn lực để đầu tư nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là ở các xóm vùng cao, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.
Với việc vận hành các công trình nước sạch nông thôn, bà con tại vùng sâu vùng xa tại tỉnh đã được sử dụng nước sạch. Ảnh: Công Hải
Hiện nay, nguồn nước sử dụng để cấp cho các công trình nước sinh hoạt ở Cao Bằng chủ yếu là các mạch xuất lộ, các mỏ nước và một số lấy tại các hồ thẩm thấu, thiết kế theo hình thức lọc thô đảm bảo nước hợp vệ sinh, cơ bản các công trình chưa được đầu tư hệ thống khử khuẩn để đảm bảo theo Quy chuẩn nước sạch do Bộ Y tế ban hành.
Theo số liệu thống kê, tỉnh Cao Bằng hiện có 1.332 công trình cấp nước tập trung được đầu tư hoàn chỉnh theo tiêu chí quy định, tuy nhiên theo đánh giá thì chỉ có 75 công trình hoạt động bền vững, 909 công trình tương đối bền vững, 193 công trình hoạt động kém hiệu quả và 155 công trình không hoạt động.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tập trung triển khai các giải pháp, hoạt động nâng cao năng lực quản lý vận hành, cải tạo sửa chữa công trình kém bền vững, không hoạt động. Thời gian tới, Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng nguồn nước, để nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Đồng thời, tận dụng nguồn vốn của các nhà tài trợ cũng như các tổ chức để đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Sử dụng lồng ghép nguồn vốn sự nghiệp để tập huấn, đào tạo cũng như nâng cao hiệu quả của các tổ quản lý vận hành có điều kiện để nâng cao trình độ về sửa chữa nhỏ, quản lý vận hành các công trình đạt chất lượng.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình cấp nước nông thôn cũng như bảo toàn nguồn vốn đầu tư và đảm bảo hoạt động bền vững các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh cần giao cho các tổ chức đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực quản lý, khai thác các công trình cấp nước nông thôn. Ngoài ra, truyền thông đến người dân về lợi ích của việc sử dụng nước sạch, nâng cao tinh thần bảo vệ các công trình cấp nước
Hoàng Tùng
Bình luận