Hotline: 0941068156
Chủ nhật, 19/01/2025 07:01
Thứ ba, 02/08/2022 21:08
TMO - Thiết bị giám sát hành trình là một trong những giải pháp kiểm soát hiệu quả các phương tiện một cách trực tiếp, liên tục. Đồng thời, là công cụ quan trọng trong nỗ lực tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo số liệu thống kê mới nhất tính đến ngày 30/6 của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS - là giải pháp cung cấp thông tin về vị trí, vết đi và một số hoạt động của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống ) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã có tiến bộ và đạt 93,4%.
Tính đến thời điểm hiện tại có 4 địa phương đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là: Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Cà Mau. Còn lại 24 tỉnh, thành phố chưa hoàn thành theo quy định.
Cà Mau là một trong những địa phương tiên phong trong triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, với nhiều nỗ lực và giải pháp hiệu quả. Tính đến tháng 5/2022 địa phương đã hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 1.529 tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau thiết bị giám sát hành trình là giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm 2021 đến nay, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, xác minh, kêu gọi khoảng trên 200 tàu cá cần thực hiện việc khai thác, đánh bắt thủy sản đúng trên vùng biển được phép khai thác. Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài giảm đáng kể, từ đầu năm đến nay chỉ có 2 trường hợp.
Ảnh minh họa
Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cao của cả nước. Tính đến đầu tháng 7/2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 1.119/1.168 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỉ lệ 95,8% tàu cá vùng khơi. Còn lại 49 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát; trong đó, có 37 tàu cá nằm bờ không tham gia khai thác, 12 tàu cá là tàu mới mua từ tỉnh ngoài về đang làm thủ tục chuyển vùng thiết bị hoặc lắp đặt máy mới.
Để tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS, Chi cục Thủy sản tỉnh thường xuyên tổ chức bộ phận theo dõi/trực ban phát hiện có dấu hiệu vi phạm, tiến hành vào sổ theo dõi, điện thoại đến chủ tàu hoặc người nhà chủ tàu cảnh báo hành vi vi phạm và yêu cầu thực hiện khắc phục các nội dung cảnh báo (tàu cá vượt ranh giới biển, vi phạm khu vực cấm khai thác, vùng khai thác, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa kết nối thiết bị VMS).
Trong thời gian tới, cùng với việc phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương sớm hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định, khai thác, sử dụng có hiệu quả Hệ thống giám sát tàu cá để quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá địa phương trên biển.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển thực hiện nhập dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia theo quy định để đáp ứng yêu cầu việc tra cứu thông tin, quản lý tàu cá ra vào cảng cá.
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá được xem là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, Tổng cục thủy sản chỉ đạo các Chi cục phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương ven biển phổ biến, vận động ngư dân sớm triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài trên 15m.
Hải Long
Bình luận