Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 13:11
Chủ nhật, 12/06/2022 05:06
TMO - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 2051/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh rõ nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên nước trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Sơn La là địa phương có tiềm năng về tài nguyên nước với 35 suối lớn, 2 sông lớn là sông Đà dài 280km với 32 phụ lưu và sông Mã dài 90km với 17 phụ lưu. Mật độ sông suối phân bố không đều, độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh do địa hình núi cao, chia cắt sâu.
Theo kết quả Quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh đã được phê duyệt, tài nguyên nước mặt toàn tỉnh hàng năm vào khoảng 19 tỷ m3, trữ lượng nước dưới đất khoảng trên 3 triệu m3/ngày đêm.
Với trữ lượng nguồn nước lớn đảm bảo cho địa phương này vận hành các công trình cung cấp, điều tiết nước
UBND tỉnh giao Sở TN&MT rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các thủ tục hành chính lĩnh vực tài nguyên nước để đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế phù hợp quy định; tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về tài nguyên nước; tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quản lý, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quản lý, lưu trữ thông tin khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Kế hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Thẩm định, trình phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; cập nhật ranh giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định…
Giao Sở Công Thương khi quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp phải có phương án khai thác, sử dụng nước và xả nước thải phù hợp với quy hoạch tỉnh và đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các chủ công trình thủy điện vận hành hồ chứa thủy điện bảo đảm đúng quy trình đã được phê duyệt; bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu thường xuyên, liên tục sau đập theo đúng thiết kế.
Tỉnh Sơn La yêu cầu các đơn vị chức năng, địa phương tiến hành quan trắc định kỳ, đảm bảo chất lượng nguồn nước
Sở Xây dựng hướng dẫn các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cấp, thoát nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tài nguyên nước và Giấy phép môi trường theo quy định. Yêu cầu đơn vị thi công tuân thủ việc bảo vệ nước dưới đất với các hoạt động khoan khảo sát địa chất công trình.
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư trong thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình hạ tầng kỹ thuật. Trong quá trình lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng phải bố trí diện tích phù hợp cho xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và phải chú ý đến vấn đề xả nước thải vào nguồn nước để không làm ảnh hưởng đến môi trường và các tầng chứa nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình đầu tư hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, các cơ sở chế biến nông sản xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường; tổ chức vận động nhân dân thu gom chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, không làm ô nhiễm nguồn nước.
Tham mưu với UBND tỉnh cấp Giấy phép hoạt động trong phạm vi công trình thủy lợi theo đúng quy định; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước mặt, giấy phép môi trường; thực hiện các biện pháp giảm thiểu đưa chất độc hại vào nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các đơn vị quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước
Cùng với đó, phối hợp với Sở TN&MT đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn lập hồ sơ đề nghị cấp phép tài nguyên nước với các trường hợp phải cấp phép; lập Phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi.
Xây dựng và đề xuất phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt với các công trình cấp nước sạch nông thôn. Rà soát diện tích quy hoạch sử dụng đất rừng phòng hộ đầu nguồn trong phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt để tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt.
Sở Y tế tăng cường kiểm tra việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất thải y tế của các bệnh viện, cơ sở y tế. Thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước khai thác cho mục đích sinh hoạt; nếu chất lượng nước không đạt tiêu chuẩn, không hợp vệ sinh phải hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời; báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh để xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Công an tỉnh tăng cường các biện pháp nắm tình hình, phát hiện, kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
UBND các huyện, thành phố thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên nước; hòa giải, giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát đến xã, phường, thị trấn các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trái phép.
Quản lý chặt chẽ việc thu gom, xử lý nước thải, đặc biệt là nước thải của các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở nông thôn, khu du lịch và các cơ sở sản xuất kinh doanh. Thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông suối, hồ tự nhiên; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc trám lấp giếng không sử dụng; đăng ký khai thác nước dưới đất trong Vùng hạn chế khai thác nước dưới đất…
Lan Anh
Bình luận