Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 16:11
Thứ tư, 11/05/2022 11:05
TMO - Thời gian qua, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước thiếu hợp lý đã khiến nguồn nước tại tỉnh Kon Tum suy giảm nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hiệu quả.
Những năm gần đây, tình trạng suy kiệt nguồn nước diễn ra tại nhiều địa phương. Lượng nước ở các ao, hồ, sông, suối giảm mạnh. Mặt khác, do rừng bị suy kiệt, tình trạng khoan giếng, khai thác mạch nước ngầm tràn lan để phục vụ cây nông nghiệp khiến nguồn nước ngầm bị suy kiệt trầm trọng.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước các công trình đã cấp giấy phép khai thác, sử dụng phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh (Quyết định 1264/QĐ-UBND ngày 15/11/2018); phê duyệt Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh (Quyết định 21/2019/QĐ-UBND).
Nhiều hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh suy giảm nguồn nước vào mùa khô
Theo đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước và bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, nhà máy chế biến, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chế biến mủ cao su, chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh. Sở TN&MT tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia (nước mặt) và xây dựng, ban hành Danh mục nguồn nước mặt nội tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 197 hồ, ao thuộc Danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. UBND tỉnh giao Sở TN&MT công bố Danh mục đã được phê duyệt; hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị trên địa bàn thực hiện, và thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn đang thực hiện triển khai điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với nguồn nước nội tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch điều tra tài nguyên nước tỉnh Kon Tum sẽ xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù của địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên nước, đảm bảo phát triển bền vững tài nguyên nước, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum phê duyệt danh mục các khu vực thực hiện bảo vệ nguồn nước
Thông qua điều tra tài nguyên nước, Kon Tum sẽ tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê tài nguyên nước, quan trắc giám sát tài nguyên nước, phục vụ khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh trên các lưu vực sông.
Tuy nhiên trong quá trình khai thác tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn bộc lộ một số hạn chế. Trong đó, mạng lưới trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu đánh giá số lượng, chất lượng và dự báo diễn biến tài nguyên nước; chưa điều tra, đánh giá sức chịu tải và phân vùng chất lượng nước và Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt trên các lưu vực sông.
Tỉnh Kon Tum tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên tại các lưu vực sông nhằm kiểm soát hiệu quả chất lượng nguồn nước
Bên cạnh đó, nhận thức của doanh nghiệp, người dân về bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước vẫn còn hạn chế. Nhân lực, nguồn lực trong lĩnh vực tài nguyên nước ở các địa phương còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực của xã hội tham gia bảo vệ và phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch, giải pháp tỉnh Kon Tum đang nỗ lực từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho mục tiêu phát triển bền vững.
Thảo Nguyên
Bình luận