Hotline: 0941068156
Thứ hai, 25/11/2024 00:11
Thứ sáu, 02/09/2022 11:09
TMO - Nhằm khai thác hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu đến hết năm 2025 đạt giá trị sản xuất từ nuôi biển trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Với đường bờ biển dài 250km cùng 20.000ha eo biển kín gió là điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh sản xuất tôm và nuôi biển lớn. Nuôi trồng hải sản ở Quảng Ninh hiện đang phát triển 3 nhóm đối tượng chính là tôm, cá biển (cá song, cá chim vây vàng, cá giò...) và nhuyễn thể (hàu, ngao, trai cấy ngọc...). Phương thức nuôi chủ yếu là ao nhân tạo, lồng treo trên bè nổi và đặt dưới đáy biển; giàn bè hay nuôi thả trực tiếp trên các bãi triều.
Năm 2021, toàn Quảng Ninh có trên 7.000ha nuôi tôm, trong đó 4.000ha nuôi công nghiệp, sản lượng đạt trên 14.000 tấn, giá trị đạt trên 1.400 tỷ đồng. Diện tích nuôi cá biển, nhuyễn thể đạt 10.600ha, sản lượng đạt 45.000 tấn, trong đó 39.000 tấn nhuyễn thể, còn lại là cá biển.
Mô hình nuôi cá song lồng bè tại thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn.
Quảng Ninh phấn đấu trong năm 2022 sản xuất tôm và nuôi biển đạt sản lượng 77.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm 25.000 tấn, sản lượng nuôi biển 52.000 tấn. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 72.921 tấn, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 34.834 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 38.087 tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.092ha, tăng 50,66% so với cùng kỳ năm 2021.
Giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt giá trị sản xuất từ nuôi biển trên 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản. Dự kiến đến hết năm 2025, tổng diện tích nuôi biển Quảng Ninh đạt trên 8.800ha (chiếm 33% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản), sản lượng nuôi biển chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (khoảng hơn 59.500 tấn). Tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng giai đoạn 2020-2025 là 8%; giá trị sản xuất theo giá cố định trên 4.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 68% giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản).
Tỉnh cũng đặt mục tiêu có 100% cơ sở nuôi biển đạt điều kiện về an toàn thực phẩm, có giám sát nguồn gốc sản phẩm nuôi theo quy định tại Luật Thủy sản. Xây dựng từ 1 đến 2 mô hình nuôi biển điển hình, xây dựng ít nhất 2 mô hình nuôi biển gắn với du lịch, dịch vụ nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, bên cạnh những thuận lợi, hiện nay nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh Quảng Ninh cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa bền vững, có nơi, có lúc còn tự phát. Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này còn nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch.
Vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị chưa nhiều, sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, chưa có tính liên kết, hiệu quả thấp, không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Hệ thống cung ứng dịch vụ, vật tư, thức ăn, thuốc phòng, trị bệnh... còn thiếu và chưa đồng bộ.
Đối tượng nuôi chủ lực còn hạn chế, giá trị kinh tế không cao, quy trình kỹ thuật nuôi còn mang tính truyền thống, tự phát. Hạ tầng vùng sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản chưa đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật và chưa phù hợp theo từng đối tượng. Công tác dự báo thị trường, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu giống, sản phẩm thủy sản còn hạn chế, chế biến còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nên xuất khẩu thường gặp khó khăn...
Tỉnh Quảng Ninh đang chủ động thay thế phao xốp bằng phao nổi có các thông số chuẩn HDPE. Ảnh: Việt Hoa
Để khắc phục những khó khăn, hiện thực hóa những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp tăng trưởng sản xuất tôm và nuôi biển. Trong đó, tập trung tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong mỗi mô hình nuôi, hiện đại hóa quy trình sản xuất, quy trình quản lý, sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng máy móc, thiết bị thay thế sức người trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, hoạch định hướng sản xuất lớn, chuyển từ nuôi gần bờ ra xa bờ, quy hoạch vùng nuôi, mật độ nuôi hợp lý để các loại thủy sản phát triển tốt nhất.
Đồng thời, địa phương này tăng cường tiến hành thẩm định, cấp các mã vùng nuôi, mã cho cơ sở chế biến an toàn, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, nuôi trồng làm nền tảng để sản phẩm thủy sản Quảng Ninh có thể tiếp cận các thị trường khó tính song mang lại giá trị cao, đặc biệt nông nghiệp Quảng Ninh, trong đó có lĩnh vực thủy sản phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển của Quảng Ninh, thủy sản được định hướng là ngành kinh tế quan trọng. Mục tiêu đến năm 2030, thủy sản chiếm khoảng 2% GRDP toàn tỉnh và khoảng 60% GRDP toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Giá trị sản xuất thủy sản theo giá cố định đạt trên 10.700 tỷ đồng (chiếm khoảng 60% toàn ngành nông nghiệp), bình quân tăng trưởng 6,3%/năm và tiếp tục tạo việc làm ổn định cho 50.000 lao động.
Hiện nay, Quảng Ninh đang thực hiện là phát triển nuôi công nghệ cao, công nghiệp và quy mô lớn gắn với phát triển du lịch; lập đề án phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở để các ngành, địa phương và doanh nghiệp bám sát vào để triển khai, trong đó, sẽ khuyến khích xây dựng các mô hình nuôi biển gắn với du lịch, dịch vụ nhằm đảm bảo sinh kế, tăng thu nhập cho ngư dân.
Hoàng Lam
Bình luận