Hotline: 0941068156
Thứ hai, 20/01/2025 02:01
Thứ ba, 14/11/2023 08:11
TMO - Hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân vùng dân tộc thiểu số là một trong những chính sách được triển khai thực hiện hiệu quả ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đặt mục tiêu góp phần đạt 90% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Thực hiện dự án, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình); hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng công trình nước tập trung theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt (ưu tiên cho người dân vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh).
Thời gian qua, được sự quan tâm triển khai dự án của Trung ương và địa phương, nhiều công trình nước sạch đã được đầu tư xây mới và sửa chữa đưa vào sử dụng, cùng với đó người dân cũng được hỗ trợ mua sắm các téc nước, xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Qua đó, đã góp phần đưa những dòng nước mát lành đến với người dân các thôn, làng vùng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiện trạng đặc biệt là đối với công trình cấp nước tại các huyện miền núi. Ảnh: TT.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 35 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, tập trung phần lớn ở 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã thuộc các địa phương: Cam Lâm, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, kêu gọi doanh nghiệp và nhân dân đóng góp cùng với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Nhờ đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh là 99,7%, sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam là 71,2%. Từ các chương trình nêu trên đã cơ bản đáp ứng nhu cầu nước sạch, cải thiện đáng kể chất lượng sống và sức khỏe của người dân nông thôn nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, toàn tỉnh có 91 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, trong đó có 42 công trình bền vững, 15 công trình tương đối bền vững, 20 công trình kém bền vững, 14 công trình không hoạt động. Từ năm 2017 đến nay có 47 công trình đươc đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, trong đó có 20 công trình được xây dựng mới, 20 công trình được sửa chữa, 7 công trình được nâng cấp. Mục tiêu của tỉnh đặt ra, đến năm 2025, tỷ lệ dân số được sử dụng nước sạch đạt 70%, nước hợp vệ sinh đạt 100%; thực hiện đến năm 2022, tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch đạt 71,2%, sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các huyện miền núi vẫn còn thấp.
Theo báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn, trên địa bàn có 10 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 6 công trình hoạt động tương đối hiệu quả, 4 công trình hoạt động kém hiệu quả. Việc đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân địa phương còn nhiều khó khăn. Địa phương kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương rà soát, bổ sung vào quy hoạch các dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn huyện Khánh Sơn; thí điểm giao một số công trình cấp nước cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, vận hành; có chính sách miễn, giảm, hỗ trợ các đối tượng sử dụng nước là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và cấp bù ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ này; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Ba Cụm Bắc và xã Ba Cụm Nam; sớm đầu tư xây dựng các hồ chứa nước Sơn Trung, Sơn Lâm, Sơn Bình, Tà Lương (thị trấn Tô Hạp)… để đảm bảo cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nước cho người dân (Ảnh minh họa).
Trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh hiện có 19 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Trong đó có 3 công trình bền vững, 6 công trình tương đối bền vững, 8 công trình kém bền vững và 2 công trình không hoạt động do đã xuống cấp, hư hỏng. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99%, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuyển Việt Nam đạt 20,3% (trong đó có 4 xã đạt tiêu chí sử dụng nước sạch Chương trình xây dựng nông thôn mới).
Tuy nhiên, địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác các công trình, hệ thống cấp nước như: Các công trình cấp nước quy mô nhỏ, mật độ dân cư không tập trung và phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn nhiều khó khăn… là những điều kiện bất lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác đầu tư kinh doanh dịch vụ về nước sạch nông thôn; người dân sử dụng nguồn nước từ các công trình cấp nước hiện hữu phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn nên khó thu phí sử dụng nước để có chi phí duy tu bảo dưỡng công trình và trả lương cho cán bộ quản lý công trình; đa số công trình đã xuống cấp, hư hỏng…
Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, hiện nay, 100% người dân trên địa bàn thị xã đã sử dụng nước hợp vệ sinh, 82% các hộ dân đã sử dụng nước sạch. Tại 02 xã: Ninh Tây và Ninh Tân là những địa phương có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất, số hộ dân được sử dụng nước sạch đạt tỉ lệ cao hơn trung bình của cả thị xã; cụ thể, xã Ninh Tân 96,4%, xã Ninh Tây 83,56%.
Bên cạnh kết quả đạt được, thị xã còn gặp một số hạn chế như: kinh phí đầu tư hàng năm cho chương trình nước sạch nông thôn còn hạn hẹp và không đáp ứng việc mở rộng mạng lưới phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân; việc bàn giao các công trình sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng rất khó khăn, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu, vùng xa có mật độ dân cư thưa thớt, không mang lại hiệu quả cho đơn vị quản lý vận hành; chất lượng nước sạch nông thôn không đồng đều, tại một số công trình cấp nước tự chảy, công nghệ xử lý nguồn nước thô chưa thực sự đảm bảo chất lượng…
Trước thực trạng trên Ban Dân tộc HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hồ đập và hệ thống nước phân tán đã đưa vào quy hoạch chung, quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch nông thôn gắn với công trình thủy lợi, hồ chứa nước nhằm vừa bảo vệ, đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa nâng cao chất lượng quản lý và hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nói chung, đồng bào DTTS và miền núi nói riêng.
Cùng với đó, khẩn trương kiểm tra, rà soát các công trình hệ thống nước đã đầu tư thời gian qua, phân loại và tham mưu UBND tỉnh bố trí, nâng cấp mở rộng công trình nước sạch tập trung đã có; sửa chữa, cải tạo các công trình kém hiệu quả để đưa vào sử dụng, tránh lãng phí; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng vận hành, quản lý cho cán bộ, công nhân trực tiếp làm công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước ở cơ sở.
Đồng thời, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, trước mắt tiếp nhận các công trình, hệ thống cấp nước tập trung đã có để triển khai; nghiên cứu xây dựng cơ chế giảm giá nước sinh hoạt, hỗ trợ chi phí đấu nối ban đầu cho các hộ dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tăng cường phối hợp giữa các ngành có liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong đầu tư, quản lý và tuyên truyền vận động nhân dân về ý thức sử dụng, bảo vệ nguồn nước, thực hiện kiểm tra, giám sát hiệu quả đầu tư gắn với trách nhiệm chủ đầu tư với đơn vị quản lý khai thác…
Theo Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh ban hành ngày 15-1-2021 kèm theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh: Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 35% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2030, 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Minh Huy
Bình luận